Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
ĐBP - Với sự bùng nổ của internet, việc trẻ em sớm được tiếp cận với thế giới mạng dần trở nên phổ biến. Cùng với những mặt tích cực như giúp trẻ có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, hữu ích, hay tăng cường tương tác xã hội; thì môi trường mạng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với trẻ, khi việc sử dụng internet thường xuyên dẫn đến tình trạng tâm lý của trẻ bị bất ổn, xuất hiện thông tin ngoài ý muốn của trẻ, nội dung không phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thậm chí, trẻ em còn là đối tượng để kẻ xấu lôi kéo, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, bắt cóc… Vì vậy, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã trở thành vấn đề cấp bách hiện nay.
Trẻ em sử dụng điện thoại thông minh để giải trí ngày càng phổ biến (Ảnh chụp tháng 4/2021).
Còn nhớ cách đây hơn 4 tháng, clip “xin vía học giỏi” của Youtuber Thơ Nguyễn đã làm dậy sóng cộng đồng mạng cùng rất nhiều bậc phụ huynh. Với phạm vi hoạt động rộng lớn (hơn 8,7 triệu lượt theo dõi trên kênh Youtube, hàng trăm nghìn lượt yêu thích trên Facebook, hơn 900.000 lượt theo dõi trên Tiktok) và đối tượng theo dõi chủ yếu là trẻ em; thì clip có phần “mê tín dị đoan” này sau khi được đăng tải, đã khiến các bậc phụ huynh bày tỏ quan ngại và lo lắng về nội dung của clip. Đặc biệt, nhiều phụ huynh cho rằng, đoạn clip đã tiêm nhiễm vào đầu các con nhiều suy nghĩ không đúng, lệch lạc và thiếu tính giáo dục.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Trần Thị Vân, xã Thanh An (huyện Điện Biên) có con 5 tuổi cho biết: Tôi có biết con theo dõi kênh YouTube Thơ Nguyễn. Tôi cũng có theo dõi xem clip có nội dung như thế nào. Tuy nhiên, đối với clip “xin vía học giỏi” thì tôi cảm thấy phản cảm và lo lắng, sợ các con sau khi xem clip mê tín, nhảm nhí này sẽ làm theo mà không hề biết đúng sai.
Hay như trường hợp của gia đình chị Vũ Thị Hồng, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) là một ví dụ. Con trai chị Hồng đang học cấp 2, do dịch bệnh nên cháu được nhà trường cho nghỉ học để phòng dịch. Mặc dù thấy con thường xuyên sử dụng máy tính, nhưng khi nghe con đưa ra những lý do chính đáng như học trực tuyến qua zoom, trao đổi ôn bài với bạn bè... nên chị Hồng dần lơ là về mặt quản lý. Sau một thời gian, nhận thấy thời gian con ngồi máy tính ngày càng nhiều, chị Hồng kiểm tra thì phát hiện con trai thường xuyên chơi game và các cuộc chuyện trò, trao đổi trên mạng chỉ nói đến các trò chơi game đang thịnh hành...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; trong đó, nguyên nhân chính là do nhiều trẻ chưa được gia đình, nhà trường quan tâm đúng mức. Trong khi Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan quy định rất rõ về trách nhiệm bảo vệ trẻ trên môi trường mạng internet thì nhận thức, hiểu biết của cộng đồng nói chung, các bậc phụ huynh nói riêng về vấn đề này còn nhiều hạn chế, dẫn tới chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ con em mình trước những mối nguy hiểm từ môi trường mạng. Cùng với đó, công tác bảo vệ trẻ em của cơ quan chức năng trên môi trường mạng cũng chưa toàn diện và chặt chẽ. Trẻ em chưa trang bị đầy đủ nhận thức về nguy cơ tiềm tàng của internet, mạng xã hội an toàn...
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện Tháng hành động vì trẻ em. Qua đó, đã gửi nhiều thông điệp tới cộng đồng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về việc quan tâm và tạo môi trường yêu thương cho trẻ. Cùng với đó, Sở phối hợp cùng Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho trẻ em kiến thức về sử dụng internet, mạng xã hội hiệu quả và lồng ghép trong các hoạt động hè cho thiếu nhi. Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động lành mạnh trên mạng xã hội cho thiếu nhi tham gia nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có môi trường vui chơi, giải trí, học tập trên mạng.
Vừa qua, Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu tháng 6 (tại Quyết định số 830/QĐ-TTg). Đây là lần đầu tiên một chương trình ở cấp quốc gia về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được ban hành và có tính liên ngành cao khi có sự vào cuộc của các bộ: Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo; Công an. Một trong những mục tiêu của chương trình là truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng...
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu sử dụng internet, mạng xã hội là tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa. Vì vậy, để bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Không ai khác, gia đình chính là lá chắn giúp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng một cách hiệu quả nhất.