Bảo vệ trẻ em trước 'yêu râu xanh' núp bóng người thân quen

Mới đây, dư luận cả nước không khỏi rúng động trước vụ việc bé gái chỉ mới 3 tháng tuổi bị người thân xâm hại tình dục, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ở mức báo động, đặc biệt nghiêm trọng khi nhiều vụ việc bắt nguồn từ chính những người thân quen, người trong gia đình. Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đau lòng này cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, trong đó, gia đình phải là 'lá chắn' đầu tiên và vững chắc nhất.

ThS. Tạ Chí Thành hướng dẫn các em học sinh về kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em.

ThS. Tạ Chí Thành hướng dẫn các em học sinh về kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em.

Khi “yêu râu xanh” núp bóng người thân quen

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 22/6, Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bé gái 3 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng chảy máu nghiêm trọng vùng sinh dục. Qua thăm khám và hội chẩn giữa nhiều chuyên khoa, các bác sĩ xác định trẻ bị xâm hại tình dục.Thông tin từ cơ quan chức năng, người đàn ông liên quan đến vụ việc đã bị bắt giữ, khai nhận hành vi xâm hại đối với trẻ và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Vụ việc đau lòng nói trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em vốn luôn âm ỉ, dai dẳng. Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2024, toàn quốc đã khởi tố 2.361 vụ án xâm hại trẻ em, với 2.931 đối tượng bị xử lý. Trong đó, các vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tỷ lệ cao nhất, với 1.927 vụ. Đáng chú ý, các vụ việc xảy ra trong gia đình hoặc do người quen biết gây ra, chiếm hơn 60% số vụ.

Nhìn vào thực tế hiện nay cho thấy, không một đứa trẻ nào hoàn toàn an toàn trước nguy cơ bị xâm hại tình dục, dù là trai hay gái, dù ở thành thị hay nông thôn, dù trong hoàn cảnh sống nào đi nữa. Nghiêm trọng hơn, hầu hết thủ phạm là nam giới và đa số các vụ xâm hại xảy ra bởi người quen biết với nạn nhân, như họ hàng, bạn bè của gia đình, hàng xóm, thậm chí là người thân ruột thịt. Núp bóng dưới danh nghĩa người thân quen, không ít “yêu râu xanh” đã thực hiện hành vi suy đồi đạo đức, để rồi gieo rắc những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần cho con trẻ.

Gia đình - “lá chắn” bảo vệ đầu tiên, vững chắc nhất

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ThS. Tạ Chí Thành - giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục Khai phóng, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tình trạng “yêu râu xanh” ẩn mình dưới vỏ bọc người thân xảy ra khá phổ biến, nguyên nhân trước tiên bắt nguồn từ sự lơ là, cả tin của người lớn trong gia đình.

Nhiều gia đình vì hoàn cảnh nên việc trông nom, giám sát trẻ em chưa được chú trọng đúng mức, tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện hành động quấy rối, xâm hại tình dục. Không ít bố mẹ, ông bà chủ quan giao con gái, cháu gái của mình cho đối tượng nam giới thân quen như chú, bác, anh họ hay hàng xóm trông coi mà không thực hiện biện pháp giám sát, phòng tránh. Trong khoảnh khắc không làm chủ được bản thân, các đối tượng này có thể thực hiện hành vi xâm hại trẻ một cách vô thức hoặc cố ý.

Nguyên nhân tiếp theo nằm ở việc phần lớn trẻ em còn thiếu kỹ năng nhận diện, phòng tránh và ứng phó với xâm hại tình dục. Những năm gần đây, nhiều trường học đã lồng ghép các chuyên đề giáo dục về phòng tránh xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em cho thấy nạn nhân hầu như không nhận diện được những tình huống nguy cơ, không phân biệt được những hành vi quấy rối, xâm hại với những hành động quan tâm yêu thương. Thậm chí, khi đối mặt với hành vi xâm hại, một số trẻ cảm thấy vô cùng sợ hãi, căng thẳng, từ đó trẻ bị rơi vào trạng thái “tê liệt”, không thể tự vệ hay phản kháng.

“Do đó, để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục bởi những người thân quen, người trong gia đình”, mỗi gia đình cần cảnh giác hơn với vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt nâng cao vai trò của cha mẹ trong quản lý, chăm sóc trẻ. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ, người trông trẻ nên ưu tiên là nữ giới như các bà, các cô. Còn nếu là nam giới phải có người giám sát, hỗ trợ cùng và phải bảo đảm họ có trạng thái tâm lý ổn định, không sử dụng rượu, bia hoặc có biểu hiện cảm xúc, hành vi bất thường”,ThS. Tạ Chí Thành nhận định.

Đồng thời, gia đình cần trang bị cho trẻ em kĩ năng nhận diện, phòng tránh và ứng phó với xâm hại tình dục. Không chỉ dừng lại ở việc biết hoặc hiểu một vài kiến thức, quan trọng trẻ phải “biến nhận thức thành hành động”. Đơn cử, khi nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm, trẻ cần nhanh chóng né tránh, từ chối tiếp xúc với đối tượng khiến trẻ cảm thấy bất an. Trong tình huống nguy cấp, trẻ cần có hành động la to kêu cứu, chạy trốn thoát thân hoặc tự vệ trước hành vi khống chế, xâm hại của đối tượng.

Linh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-ve-tre-em-truoc-yeu-rau-xanh-nup-bong-nguoi-than-quen-post553649.html