Bảo vệ trẻ trước các tai nạn thương tích
Từ tháng 5-2022 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ghi nhận gần 1,2 ngàn trường hợp bệnh nhân cấp cứu do tai nạn thương tích.
Những tai nạn thường gặp là tai nạn sinh hoạt (té ngã), tai nạn giao thông, bỏng, hóc dị vật, bị súc vật cắn, ngạt nước…
* Nhiều trẻ bị chấn thương sọ não
BS Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cho biết từ đầu tháng 6 đến nay, khoa liên tục tiếp nhận và điều trị cho các trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Bệnh nhân từ vài tháng tuổi đến 15 tuổi, gặp nhiều tai nạn khác nhau. Trong đó có những trường hợp nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tưởng chừng không thể qua khỏi.
Chị Lê Thị Trang, mẹ bé L.M.K. (4 tuổi, ngụ P.Xuân Hòa, TP.Long Khánh) cho hay, chiều tối cách đây hơn 10 ngày, trong lúc chơi đùa cùng các anh tại nhà, bé K. bị trượt chân té ngã, đầu đập xuống nền nhà. Chỉ trong vòng 30 phút, toàn thân bé tím tái, đồng tử bên phải giãn, gia đình cấp tốc đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để cấp cứu. Lúc này, bé đã rơi vào hôn mê, được các bác sĩ đặt ống nội khí quản.
Nhận thấy ca bệnh rất nặng, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh vừa cấp cứu, vừa hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Thời điểm này, BS Nguyễn Văn Toàn đang ở nhà cũng đã hội chẩn qua điện thoại với các bác sĩ Khoa Cấp cứu và khẩn trương vào bệnh viện. Khoảng hơn 19 giờ, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng hôn mê sâu. Ngay lập tức, bệnh nhi được đưa lên phòng mổ để phẫu thuật lấy một lượng lớn máu tụ ở ngoài màng cứng bán cầu não phải rồi cầm máu cho bệnh nhi. Tất cả các khâu được thực hiện rất khẩn trương, nhịp nhàng.
Từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhi tử vong do bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông, bị ngạt nước.
“Nếu bệnh nhi đến chậm 1-2 tiếng hoặc chuyển lên tuyến trên sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng do mất đi giờ vàng. Trong lúc mổ, chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức chứ không dám chắc là bệnh nhi có thể tỉnh lại vì bệnh nhi đã hôn mê 2-3 tiếng trước đó, đồng tử bên phải giãn, nguy cơ tử vong cao. Hiện tại, sau 12 ngày phẫu thuật, bệnh nhi tỉnh táo, đã ăn uống tốt, đi lại được, chờ vài ngày sau khi cắt chỉ sẽ được xuất viện” - BS Toàn nói.
Cũng vừa may mắn thoát khỏi “cửa tử” là bệnh nhân L.N.Q.T. (14 tuổi, ngụ xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất). Khi kể về tình trạng bệnh của con thời điểm cách đây 12 ngày, chị Đinh Thị Bích Vân, mẹ bệnh nhân, vẫn rất xúc động, liên tục nói lời cảm ơn các y, bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Chị Vân kể, hôm đó T. đi xe máy, chở theo một người bạn đi chợ, đến ngã tư thì gặp một người đi xe máy băng qua đường. Do mất bình tĩnh, em T. vặn ga mạnh hơn nên tông thẳng lên hè nhà người dân gần đó, đụng phải ghế đá và té xuống gãy tay, đầu đập xuống nền.
Bệnh nhân được gia đình chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng nôn ói nhiều. Sau khi đi chụp phim về phòng cấp cứu, bệnh nhân ngất lịm đi.
“Nhìn thấy con hôn mê, toàn thân tím tái, lạnh ngắt với rất đông các y, bác sĩ vây quanh để cấp cứu, tôi không thể đứng vững và rơi vào trạng thái hoảng loạn, tưởng đâu con không thể qua khỏi. Sau khi người thân đồng ý ký giấy phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho con tôi” - chị Vân nhớ lại.
BS Phạm Văn Khương, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, cho biết ca bệnh của bệnh nhân L.N.Q.T. rất phức tạp, vừa gãy tay, vừa chấn thương sọ não nên các bác sĩ phải rất tập trung với ca phẫu thuật. Sau hơn 6 giờ, ca phẫu thuật thành công, không chỉ là niềm hạnh phúc của gia đình mà cả với cả các y, bác sĩ.
* Phải luôn theo sát trẻ nhỏ
BS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Cấp cứu, khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trong số những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em, tai nạn do té ngã chiếm số lượng nhiều nhất với vài trăm ca mỗi tháng. Tiếp đến là tai nạn giao thông, bỏng, hóc dị vật, bị súc vật, côn trùng cắn, ngạt nước, ngộ độc thực phẩm, uống nhầm hóa chất... Tai nạn té ngã thường gặp ở trẻ từ 10 tuổi trở xuống. Đa số trẻ nhập viện trong tình trạng chấn thương đầu, gãy tay, gãy chân, đa chấn thương, nguy kịch.
Để phòng tránh những tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt trong dịp nghỉ hè, BS Nguyễn Văn Sửu khuyến cáo các bậc phụ huynh luôn phải theo sát những trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, không nên để trẻ chơi một mình ở những nơi nguy hiểm như bếp, những nơi dễ tiếp xúc với nguồn điện. Ngoài ra, người lớn cũng không nên đựng các loại hóa chất vào trong các chai nước ngọt, chai lọ bắt mắt, để xa tầm tay trẻ em những đồ dùng, vật dụng, hóa chất, thuốc… có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Khi cho trẻ đi du lịch, dã ngoại, cần phải có người lớn đi kèm, chú ý những nơi có ao hồ, sông suối, nên hạn chế tắm ở những khu vực sông suối nguy hiểm, không rõ độ sâu.
Riêng đối với tình trạng nhiều trẻ em độ tuổi từ 11-15 đi xe máy, xe đạp điện, BS Sửu khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cân nhắc vấn đề này. Bởi lẽ, trẻ em trong độ tuổi này chưa có bằng lái xe máy, các em cũng chưa ý thức đầy đủ sự nguy hiểm khi tham gia giao thông trên đường. Do vậy, phụ huynh không nên cho các em đi xe máy phân khối lớn trên đường. Với những trẻ từ 16 tuổi trở lên có thể đi xe máy phân khối nhỏ nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông.