Những loại trà thảo dược giúp tăng cường miễn dịch khi trời lạnh
Trà thảo mộc là một loại thức uống tốt cho sức khỏe được nhiều người yêu thích, nhất là vào những ngày thời tiết lạnh giá của mùa đông. Dưới đây là những loại trà giúp tăng cường hệ miễn dịch trong mùa lạnh.
Trà nhân sâm
Trà nhân sâm từ lâu đã được sử dụng như một thức uống tăng cường sức khỏe tổng thể. Theo y học cổ truyền, nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân.
Trà nhân sâm có tác dụng tốt lên tất cả các hệ cơ quan, giúp tái tạo tế bào bạch cầu, ngăn chặn sự nhân lên của virus và rút ngắn thời gian cảm cúm.
Trà hoa cúc
Trà hoa cúc không chứa caffeine là một loại trà thảo mộc nhẹ nhàng, giúp cơ thể thư giãn và cảm thấy thoải mái.
Trà hoa cúc đã được sử dụng trong nhiều năm, như một phương thuốc tự nhiên tại nhà, bao gồm khả năng thúc đẩy giấc ngủ và giảm lo âu, giảm cảm lạnh, giảm khó chịu trong kỳ kinh nguyệt, bảo vệ dạ dày, bảo vệ làn da khỏi sự thay đổi theo mùa và tăng cường khả năng miễn dịch.
Bạn nên uống 2 cốc trà hoa cúc mỗi ngày để tận hưởng lợi ích sức khỏe của trà. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều loại trà này vì có thể sẽ gây các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Trà bạc hà nguyên lá
Bạc hà có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại các vi sinh vật tạo ra mảng bám trên răng, giúp hơi thở thơm tho hơn và mang lại nhiều lợi ích cho vệ sinh răng miệng. Hơn nữa, loại trà này còn có tác dụng giảm nhiễm trùng họng, viêm xoang và ho. Không chỉ thế, khi cơ thể bị sốt, sử dụng bạc hà sẽ khiến lỗ chân lông giãn ra, giúp thoát nhiệt, hạ sốt.
Bạn có thể uống trà bạc hà vào bất cứ lúc nào trong ngày hoặc khi cần thiết nhưng tốt nhất là 30 phút sau ăn. Trà bạc hà còn đặc biệt hiệu quả trong hỗ trợ giảm các vấn đề tiêu hóa, tăng cường chức năng dạ dày, từ đó tăng cường miễn dịch của cơ thể.
Trà kỷ tử
Trà kỷ tử được người Trung Quốc mệnh danh là "kim cương đỏ" vì những lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Câu kỷ tử có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh vì chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất và các chất chống oxy hóa.
Chiết xuất từ quả kỷ tử đỏ có tác dụng ức chế khối u tiềm ẩn (do khả năng tăng mức độ chất chống oxy hóa và giảm mức độ cytokine gây viêm IL-5 và IL-8 trong máu). Sử dụng trà kỷ tử thường xuyên còn cải thiện chứng trầm cảm, lo âu và khó ngủ.
Trà hoa dâm bụt
Trà hoa dâm bụt không chứa calo hoặc caffeine, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là trong những lúc tâm trạng u ám và buồn chán.
Trà hoa dâm bụt có thể được uống nóng hoặc lạnh với đá và thêm hương vị tùy chọn nhưng không nên uống quá 3 cốc mỗi ngày.
Trà hoa dâm bụt chứa chất chống oxy hóa hỗ trợ cơ thể chống lại các gốc tự do, là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình lão hóa và gây ra nhiều bệnh tật.
Hơn nữa, trà hoa dâm bụt còn chứa các hợp chất có tính kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus hiệu quả. Do đó, tiêu thụ lượng trà hoa dâm bụt hợp lý sẽ giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Trà gừng
Gừng chứa gingerol và các hợp chất phenolic khác như quercetin, zingerone, thường được sử dụng để làm dịu các triệu chứng tiêu hóa khó chịu như buồn nôn, cảm lạnh, viêm phế quản...
Ngoài ra, gừng còn có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch do có chứa vitamin C, B6, magie cùng một lượng nhỏ sắt và canxi. Hơn nữa, theo nghiên cứu, hợp chất phenol trong gừng mang lại đặc tính chữa bệnh, giúp phòng các bệnh mùa đông như bệnh đường hô hấp bao gồm ho, cảm lạnh, nhiễm trùng họng, thở khò khè…
Bạn có thể uống trà gừng mỗi ngày nhưng không nên uống quá 5 cốc. Phụ nữ có thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ và không dùng trà gừng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Trà xanh
Trà xanh có thể giúp điều trị cảm lạnh và cúm. Mỗi tách trà xanh chứa khoảng 150 miligam (mg) các chất chống oxy hóa, chống viêm, có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm cúm. Bạn có thể tiêu thụ từ 1–5 tách trà xanh mỗi ngày để nhận được các lợi ích sức khỏe.
Tuy nhiên, trà xanh có chứa caffeine (khoảng 30–50 mg mỗi tách) do đó, bạn không nên uống quá nhiều mà chỉ nên sử dụng ở mức độ vừa phải để có được các lợi ích và tránh những tác động tiêu cực như lợi tiểu, mất ngủ...