Bảo vệ và giúp đỡ trẻ lang thang, cơ nhỡ
Trẻ em nói chung và trẻ em lang thang nói riêng với tư cách là đối tượng có quyền được chăm sóc sức khỏe (CSSK) và là tương lai của bất kỳ xã hội nào, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình và xã hội khi bước vào tuổi trưởng thành.
Pháp luật quốc tế về quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ lang thang
Công ước về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 tái khẳng định quyền trẻ em cũng như đưa ra các yêu cầu bảo đảm tốt nhất quyền này tại một số văn bản pháp luật quốc tế trước đó tại khoản 1 Điều 24 như sau: “Các quốc gia thành viên thừa nhận quyền của trẻ em được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể được và được tiếp cận các cơ sở chữa bệnh và phục hồi sức khỏe. Các quốc gia thành viên phải cố gắng bảo đảm không một trẻ em nào bị tước đoạt quyền được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe như vậy”.
Cũng theo CRC, việc thực hiện quyền được CSSK phải được thực hiện với mỗi trẻ em trong khuôn khổ quyền tài phán của quốc gia mà không có sự phân biệt đối xử nào. Như vậy, các quốc gia sẽ có sự bảo vệ toàn diện hơn, nhất là đối với đối tượng trẻ em yếu thế như trẻ em lang thang.
Ngoài ra, CRC còn đưa ra những quy định nhằm thực thi tốt hơn quyền được CSSK đối với trẻ em lang thang gặp phải vấn đề khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần. Trẻ em lang thang vốn là đối tượng dễ mắc phải những khuyết tật về thể chất và tinh thần hơn những trẻ em khác vì các em là đối tượng phải đối mặt với sự nghèo khổ cùng cực, nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao cùng với nhiều ở đó, CRC yêu cầu các quốc gia thành viên phải thực hiện theo nguồn lực sẵn có để khuyến khích và đảm bảo sự chăm sóc giúp đỡ đối với đối tượng trẻ em này và cũng yêu cầu các quốc gia thành viên phải thúc đẩy việc trao đổi thông tin thích hợp trên lĩnh vực phòng bệnh và về lĩnh vực chữa trị y tế, tâm lý và chức năng cho đối tượng trẻ em lang thang bị khuyết tật trên tinh thần hợp tác quốc tế. Đồng thời, các quốc gia thành viên phải thi hành mọi biện pháp lập pháp, hành pháp thích hợp và các biện pháp khác để thực hiện quyền được CSSK của trẻ em. Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các quốc gia thành viên phải thi hành những biện pháp như vậy ở mức độ tối đa theo khả năng sẵn có của mình, và khi cần thiết, trong khuôn khổ hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, CRC còn gợi ý các quốc gia cần có cơ chế giám sát thực hiện quyền được CSSK để đánh giá tác động và khả năng tác động của việc thực thi các quyền đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em lang thang. Bên cạnh việc chính phủ thực hiện chức năng tự giám sát, Ủy ban về Quyền trẻ em của Liên hiệp quốc cũng coi trọng sự giám sát độc lập được thực hiện bởi các ủy ban của nghị viện, tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các tổ chức nghề nghiệp, các nhóm thanh thiếu niên và các tổ chức nhân quyền độc lập nhằm đưa ra đánh giá và giám sát toàn diện đối với việc thực thi quyền được chăm sóc sức khỏe.
Đối với quyền được CSSK, các quốc gia thành viên Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) có hai nghĩa vụ: nghĩa vụ không phân biệt đối xử trong thực thi quyền được CSSK và nghĩa vụ hỗ trợ từng bước liên tục hướng đến việc hiện thực hóa hoàn toàn quyền được CSSK với tối đa các nguồn lực sẵn có. Bình luận chung số 14 cũng nêu ra các nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các quốc gia thành viên trong việc tôn trọng, bảo vệ và hỗ trợ.
Nghĩa vụ tôn trọng yêu cầu các quốc gia thành viên không được có những can thiệp làm ảnh hưởng đến việc thực thi quyền được CSSK như từ chối hoặc can thiệp mang tính cản trở hay hạn chế việc cung cấp dịch vụ CSSK cho mọi người, bao gồm cả các dịch vụ phòng bệnh, chữa bệnh lâu dài và tạm thời…
Nghĩa vụ bảo trợ quyền được CSSK yêu cầu các quốc gia thành viên phải tạo ra khung pháp lý và các biện pháp bảo vệ mọi người khỏi sự vi phạm quyền được CSSK của bên thứ ba, bao gồm: đảm bảo mọi người có thể tiếp cận bình đẳng với dịch vụ y tế tư nhân và đảm bảo rằng việc tư nhân hóa dịch vụ y tế không làm ảnh hưởng đến tính sẵn có, tính tiếp cận được (về mặt thể chất và kinh tế), tính chấp nhận được (về mặt văn hóa) và chất lượng của cơ sở y tế, dịch vụ và hàng hóa y tế; đảm bảo những người hành nghề y và cán bộ y tế đáp ứng được các tiêu chuẩn phù hợp về chuyên môn, kỹ năng và hành xử theo y đức; đảm bảo việc bảo vệ mọi người, đặc biệt là các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên và người già khỏi những hình thức thực hành chăm sóc sức khỏe cưỡng bức và có hại. Các quốc gia thành viên cũng có nghĩa vụ đảm bảo rằng bên thứ ba không được ngăn cản người dân tiếp cận với các thông tin về y tế và chăm sóc sức khỏe.
Nghĩa vụ hỗ trợ quyền được CSSK yêu cầu các quốc gia thành viên phải có các khung pháp lý, các biện pháp hành chính, ngân sách, pháp chế, các biện pháp cung cấp và khuyến khích cũng như các biện pháp khác để hiện thực hóa hoàn toàn quyền này. Nghĩa vụ này bao gồm việc công nhận quyền được CSSK trong hệ thống chính trị và pháp luật trong nước và chủ động thực hiện các biện pháp như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng y tế, đảm bảo việc đào tạo bác sĩ và nhân sự ngành y...
Bình luận chung số 14 cũng giải thích nghĩa vụ cơ bản tối thiểu của các quốc gia thành viên trong quyền được CSSK bao gồm 7 yếu tố: (a) Bảo đảm quyền tiếp cận các cơ sở y tế, hàng hóa và dịch vụ y tế trên cơ sở không phân biệt đối xử, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương và nhóm thiệt thòi; (b) Bảo đảm bảo tiếp cận lương thực cần thiết tối thiểu, có dinh dưỡng phù hợp và an toàn và đảm bảo không ai bị đói; (c) Bảo đảm tiếp cận với nơi cư trú, nhà ở và vệ sinh cơ bản, và cung cấp đầy đủ nước sạch và an toàn; (d) Cung cấp thuốc cơ bản theo định nghĩa của Chương trình hành động về Thuốc cơ bản của Tổ chức Y tế Thế giới; (e) Đảm bảo phân bố bình đẳng các cơ sở y tế, hàng hóa và dịch vụ y tế; (f) Xây dựng và thực thi chiến lược y tế quốc gia và chương trình hành động, trên cơ sở các bằng chứng về dịch tễ và giải quyết các quan ngại về sức khỏe cho toàn dân.
Việt Nam bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em lang thang
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, như: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em”.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1991 - ngay sau khi Việt Nam phê chuẩn CRC, tiếp tục được sửa đổi năm 2004, cho đến Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em phù hợp với CRC và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em.
Trong đó, Điều 14 Luật Trẻ em 2016 quy định về quyền được CSSK: “Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng, khám, chữa bệnh”. Ngoài ra, Luật Trẻ em còn quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo về CSSK trẻ em tại Điều 43, theo đó, yêu cầu nhà nước cần có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được CSSK, trong đó ưu tiên các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em lang thang. Đồng thời, Nhà nước còn khuyến khích các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân ủng hộ, đầu tư nguồn lực để bảo vệ và CSSK cho trẻ em, ưu tiên trẻ em lang thang.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 xác định trẻ em dưới 6 tuổi được ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh là một nguyên tắc trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (Điều 3) và chính sách của Nhà nước là quan tâm dành ngân sách cho việc chăm sóc sức khỏe đối với trẻ em (Điều 4). Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước ta đối với vấn để bảo đảm chăm sóc sức khỏe của trẻ em.
Ngoài ra, theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014 thì trẻ em dưới 6 tuổi thuộc đối tượng được hưởng BHYT và được cấp thẻ BHYT miễn phí (nhóm do ngân sách nhà nước đóng). Theo đó, mức hưởng BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi khi xuất trình được thẻ BHYT được quy định như sau: Được hưởng 100% chi phí và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật nếu đúng tuyến (điểm b Khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP); Được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong trường hợp trẻ đi khám thông tuyến theo quy định; Được hưởng 60% chi phí điều trị nội trú nếu trái tuyến tỉnh; Được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú nếu trái tuyến trung ương.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC của Bộ y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT quy định: “Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định…”.
Quy định này hỗ trợ rất nhiều đối với nhóm trẻ em lang thang từ 0-6 tuổi khi các em có thể đi một mình hoặc đi cùng gia đình. Song bất cập ở chỗ là không phải trẻ em lang thang nào cũng có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh dẫn đến tình trạng nhiều em không có giấy tờ tùy thân để được hưởng chế độ BHYT. Việc không có các giấy tờ tùy thân đồng nghĩa với việc đa số trẻ em đường phố không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt liên quan đến vấn đề BHYT.