Bảo vệ và phát huy giá trị di sản

Nhiều chuyên gia quốc tế từng đánh giá, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như hiện tại, thì việc bảo tồn và gìn giữ được bản sắc các di sản như Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn càng phải được chú trọng và bảo vệ.

“Các di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập từ du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn tất cả, đó là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc của chúng ta về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước”- Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới, vừa tổ chức tại Quảng Nam...

Quảng Nam đã thực hiện được nhiều giải pháp để phát huy giá trị các di sản

Quảng Nam đã thực hiện được nhiều giải pháp để phát huy giá trị các di sản

Di sản gắn với cộng đồng

Ngày 4/12/1999 là một ngày đáng nhớ đối với Quảng Nam cũng như ngành văn hóa, du lịch của nước nhà khi cùng lúc Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Sau đó 10 năm, ngày 26/5/2009 Cù Lao Chàm - Hội An tiếp tục được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Hiếm có nơi nào trên cùng một địa phương với diện tích hơn 10 nghìn km2 mà có đến 2 di sản văn hóa thế giới độc đáo, huyền hoặc như Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn cùng Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm như ở Quảng Nam. Ngoài ra, xứ Quảng còn là nơi hội tụ và giao thoa của nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh, đến từ các nền văn minh cổ đại như, Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Chăm Pa, Sa Huỳnh… Người ta có thể thấy ở đây sự đa dạng, phong phú về văn hóa phi vật thể, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lễ hội dân gian.

Kể từ thời điểm UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, và cả trước đó, chính quyền và nhân dân Quảng Nam luôn dành nguồn lực cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, phát triển Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, quảng bá giá trị của các di sản. Quảng Nam đã thường xuyên tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, phi chính phủ, các trường đại học, trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước, tiến hành trùng tu di tích, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đã liên tục được tu bổ với tổng kinh phí đầu tư hơn 359 tỷ đồng. Trong đó, tu bổ 459 di tích tại Hội An với tổng kinh phí hơn 182,6 tỷ đồng; tu bổ 11 tháp Chăm và 6 hạng mục hỗ trợ tại Khu đền tháp Mỹ Sơn với tổng kinh phí hơn 166,5 tỷ đồng.

Bên cạnh sự ủng hộ của UNESCO, các tổ chức quốc tế, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Quảng Nam còn có một phần đóng góp quan trọng từ ý thức cộng đồng dân cư. Chính người dân đã chung tay bảo tồn di tích, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng cho vùng di sản văn hóa thế giới. Ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đã đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng, người dân địa phương tại 2 di sản Hội An và Mỹ Sơn. Đơn cử, Hội An đã chỉ dẫn cho UNESCO về mối quan hệ giữa di sản và cộng đồng. Tại Hội An, đến nay phố cổ đã trở thành thương hiệu hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Có được điều này, bởi Hội An luôn xem “văn hóa là động lực, mục tiêu” cho sự phát triển của kinh tế du lịch và ngược lại phát triển du lịch phải nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế bền vững, nâng cao đời sống cho chính người dân.

Không thương mại hóa di sản

Tại lễ kỷ niệm, ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, dù còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn, nhưng 20 năm qua Quảng Nam đã thực hiện được nhiều giải pháp để phát huy giá trị di sản, cũng như nhiều cách làm tốt để thúc đẩy du lịch phát triển, đưa Quảng Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc tế. Trên thực tế, từ chỗ chỉ đón vài nghìn lượt khách mỗi năm, đến năm 2018 Quảng Nam đã đón hơn 6,5 triệu lượt khách. Trong đó, khoảng 3,8 triệu lượt khách quốc tế (xếp thứ 4 trong cả nước về đón khách tham quan, du lịch). Doanh thu từ du lịch đã góp phần quan trọng tăng nguồn thu ngân sách và thu nhập của người dân.

Tuy nhiên, cũng như ở các địa phương khác, hiện 2 di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam, cũng đang đứng trước những thách thức và nguy cơ bị hủy hoại do những tác động của thiên nhiên và con người. Trong đó, đáng lo ngại là xu hướng thương mại hóa các di sản, những xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản. Trên thực tế, ở đâu đó vẫn còn những tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đến sự trường tồn của các di sản.

Nhiều chuyên gia quốc tế từng đánh giá, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như hiện tại, thì việc bảo tồn và gìn giữ được bản sắc các di sản như Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn càng phải được chú trọng và bảo vệ.

Xung quanh công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, cần hướng tới những mô hình tăng trưởng bao trùm trong việc phát triển du lịch gắn với giá trị di sản; luôn gắn việc giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản. Đồng thời, xây dựng, triển khai các dự án, chương trình đầu tư, nghiên cứu về bảo tồn, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức trong và ngoài nước về nguồn lực, đặc biệt là về vốn, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số đối với việc quản lý, tu bổ, tôn tạo di sản.

Thủ tướng cũng lưu ý, việc bảo tồn, phát huy tốt các di sản của Việt Nam là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhân tố góp phần thúc đẩy có chiều sâu các quan hệ hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện văn hóa, chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-92008.html