Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những hoạt động trọng tâm của Bảo tàng tỉnh. Hà Nam hiện có hàng nghìn di sản được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, các nhà sưu tập tư nhân và trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được trên 200 hiện vật, trong đó, các nhà sưu tầm đã hiến tặng trên 100 hiện vật bổ sung thêm cho kho cơ sở. Để quảng bá những di sản quý báu đó, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) thành lập Ban vận động Hội Di sản văn hóa Hà Nam.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những hoạt động trọng tâm của Bảo tàng tỉnh. Hà Nam hiện có hàng nghìn di sản được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, các nhà sưu tập tư nhân và trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được trên 200 hiện vật, trong đó, các nhà sưu tầm đã hiến tặng trên 100 hiện vật bổ sung thêm cho kho cơ sở. Để quảng bá những di sản quý báu đó, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) thành lập Ban vận động Hội Di sản văn hóa Hà Nam.
Cùng với công tác sưu tầm, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hà Nam có 2 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia: Trống đồng Tiên Nội I (phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên) và Bia đá Chùa Giầu (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý); 4 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Di tích Lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn (bao gồm Đền thờ nữ tướng Lê Chân, núi Giát Dâu, đồi Bụt), xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng; Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng; Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng và Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Với sự công nhận này hiện tổng số di tích được xếp hạng Di tích cấp quốc gia tại Hà Nam là 95 di tích. Cùng với đó, Bảo tàng tỉnh cũng đã triển khai xây dựng 7 bộ hồ sơ khoa học di tích đề nghị xếp hạng cấp tỉnh năm 2023 cho các di tích: Đình Cao Mật (Xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng); đình Lãm (thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm); đình Thanh Khê (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục); đền Chợ Cửa Sông (xã Xuân Khê), Văn chỉ Vĩnh Trụ (thị trấn Vĩnh Trụ) đều của huyện Lý Nhân; đình Đồng Văn (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên); đình Thượng (xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý).
Chiếc trống đồng Tam Chúc được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Bình Nguyên
Đối với công tác bảo vệ di tích, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu Sở VH,TT&DL trình UBND tỉnh cho chủ trương tu sửa cấp thiết 8 di tích, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia: Đình Cả (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục); đình Đống Cầu (xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm); đình, đền Chanh (xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân); đình Thanh Nghĩa (xã Đồn Xá, huyện Bình Lục); đình Đinh (xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý); đình Lê Xá (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) và 2 di tích cấp tỉnh: Đình Đồng Rồi (xã La Sơn, huyện Bình Lục); đình, chùa Lương Tràng (xã Liêm Tiết, thành phố Phủ Lý). Triển khai quy trình phục chế hiện vật: Khánh đá chùa Điều (Bình Lục) và khánh đá chùa Đồng Vũ (Lý Nhân) để bổ sung cho phòng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Xây dựng đề cương, sưu tầm hiện vật, tổ chức trưng bày tại nhà lưu niệm trong khuôn viên miếu Đệ Tứ - nơi thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên thị xã Duy Tiên. Hiện tại, Bảo tàng tỉnh cũng đang phối hợp với các đơn vị cơ sở kiểm kê xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO xét duyệt, ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong 6 tháng đầu năm, Bảo tàng tỉnh tiếp tục phối hợp với Viện khảo cổ học thành lập Đoàn khảo cổ học chủ trương khai quật khẩn cấp tại động Tiên Thánh Công chúa thuộc khu vực núi đá Thung Bầu, tiểu khu Lâm Sơn, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm; dấu tích nền móng đền Thượng thuộc cụm di tích đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm; Hang Đội 4 thuộc quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc. Tại vùng lõi Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc đã phát hiện hàng chục hang động, mái đá rất có giá trị về khảo cổ học thuộc nền văn hóa Hòa Bình. Đặc biệt, tại đây, đoàn khảo cổ còn sưu tầm thêm được một chiếc trống đồng Đồng Sơn với hình dáng và hoa văn khá đặc biệt, đang chờ được nghiên cứu thêm.
Tại không gian trưng bày “Bảo vật quốc gia và cổ vật tiêu biểu tỉnh Hà Nam” lần thứ 2 năm 2023 vừa qua, Bảo tàng tỉnh đã giới thiệu các Bảo vật quốc gia của Hà Nam, các bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu của Bảo tàng tỉnh Hà Nam và gần 600 hiện vật, hình ảnh được chọn từ các nhà sưu tầm tư nhân, các hình ảnh, hiện vật về quá trình điều tra, điền dã, thám sát, khai quật khảo cổ học tại các điểm di tích, dấu tích thuộc các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cổ của Hà Nam vừa được phát hiện. Với sự độc đáo của các hiện vật trưng bày, trong 6 tháng đầu năm 2023 lượng khách đến tham quan Bảo tàng tăng cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, tính đến hết ngày 10/6/2023, đã đón trên 8.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm. Đã có 11 trường THPT và THCS với gần 2.000 học sinh tham quan các hiện vật, hình ảnh trưng bày, triểm lãm của Bảo tàng.
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ nay đến cuối năm, Bảo tàng tỉnh dự kiến xin chủ trương tổ chức hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần thứ 58; tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2022; phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức hội nghị báo cáo kết quả khai quật tại Hang Đội 4 thuộc quần thể Danh lam thắng cảnh Tam Chúc; báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khẩn cấp tại phế tích đền Thượng, thuộc cụm di tích đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm và tại động Tiên Thánh Công chúa, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm; tiếp tục triển khai thăm dò khảo cổ học tại núi An Lão (huyện Bình Lục); hoàn thiện phục chế hiện vật: khánh đá chùa Điều (Bình Lục) và khánh đá chùa Đồng Vũ (Lý Nhân)…