Bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc
Đại tá Phan Văn Hóa Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh ĐBP - Được giao quản lý, bảo vệ 455,573km trên 2 tuyến biên giới quốc gia (Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào), những năm qua, BĐBP Điện Biên đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nhiệm vụ biên phòng. Theo từng thời điểm, điều kiện thực tiễn, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, đối sách giải quyết kịp thời các sự kiện xảy ra trên biên giới, qua đó khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng chủ công, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn đường biên cột mốc, trong giai đoạn 2019 - 2024, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các biện pháp công tác biên phòng. Cụ thể, tổ chức 1.247 lần với 10.517 lượt người tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới; phối hợp với các lực lượng quản lý bảo vệ biên giới của hai nước (Trung Quốc và Lào) tiến hành 122 lần tuần tra song phương kiểm soát bảo vệ chặt chẽ biên giới, địa bàn. Cùng với việc thực hiện nghiêm 3 văn kiện pháp lý về quản lý biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, 2 văn kiện pháp lý biên giới giữa Việt Nam - Lào, BĐBP tỉnh đã tổ chức hội đàm cấp tỉnh 39 lần; cấp đồn, trạm biên phòng 161 lần tạo cơ sở bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa, ổn định ở khu vực biên giới.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Coi trọng phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 5/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu theo quy định, bảo vệ an ninh, an toàn dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước, địa phương ở khu vực biên giới. BĐBP tỉnh đã làm tốt công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch nghiệp vụ triển khai cán bộ tăng cường tại các địa bàn trọng điểm; phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới.
Công tác tuyên truyền đặc biệt đạt nhiều kết quả. BĐBP tỉnh làm tốt nhiệm vụ phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và ngăn chặn dịch bệnh từ biên giới vào địa bàn. Các chương trình và mô hình giúp dân được duy trì hiệu quả với ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thời gian tới, tình hình trên hai tuyến biên giới và một số địa bàn trọng điểm tiềm ẩn yếu tố phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chống phá, xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, truyền thống láng giềng tốt đẹp giữa các địa phương hai bên biên giới. Tình hình an ninh nông thôn, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, hoạt động tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, xuất, nhập cảnh trái phép… diễn biến phức tạp, khó lường tiếp tục đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thực tế đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh phải tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và các nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với nội dung trọng tâm là: Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 29/4/2020 của Chính phủ, Chương trình hành động số 88-CTr/QUTW, ngày 30/1/2019 của Quân ủy Trung ương; Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 4/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị định số 34/2023/NĐ-CP, ngày 16/6/2023 của Chính phủ. Phối hợp chặt chẽ với các huyện biên giới trong lãnh đạo xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại tại khu vực biên giới.
Hai là: Nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, phân tích và dự báo sát đúng; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia theo Luật Biên phòng Việt Nam. Kiên quyết, kiên trì, linh hoạt, khôn khéo, mềm dẻo trong xử lý, giải quyết các vụ việc với các nước láng giềng, không gây đối đầu, căng thẳng. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động, cơ hội chính trị. Tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới…
Ba là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở khu vực biên giới đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bốn là: Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng; nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của người chỉ huy. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương tăng thêm, tăng cường cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới; phát huy vai trò đảng viên biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ bản, phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Năm là: Thực hiện hiệu quả, nhất quán và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại. Tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục báo cáo các cấp, đề nghị nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú lên thành cửa khẩu song phương. Kết hợp chặt chẽ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân ở khu vực biên giới. Thường xuyên duy trì thực hiện tốt cơ chế giao lưu, hợp tác các cấp; tăng cường hoạt động giao lưu hữu nghị, phát huy tốt truyền thống đoàn kết, hữu nghị, quan hệ thân tộc, dân tộc hai bên biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.