Bão Wipha có thể mạnh cấp 12, khả năng vào Biển Đông trong đêm nay
Sáng 18/7, áp thấp nhiệt đới từ phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão Wipha. Dự báo bão sẽ vào Biển Đông trong đêm nay, tiếp tục mạnh lên và gây biển động dữ dội.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ sáng nay (18/7), vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 124,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62–74km/h), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15–20km/h và có khả năng đi vào khu vực phía Đông Biển Đông.
Dự báo đến 1h ngày 19/7, vị trí tâm bão sẽ ở khoảng 18,7 độ Vĩ Bắc; 121,7 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 11; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 – 25 km/h, có khả năng đi vào biển Đông và mạnh thêm.

Dự báo vị trí và đường đi của bão Wipha.
Đến 7h ngày 20/7, vị trí tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 590km về phía Đông. Lúc này, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 10, giật cấp 12. Đến sáng 21/7, tâm bão nằm trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu với cường độ mạnh cấp 11–12, giật cấp 15. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h và tiếp tục mạnh thêm.
Trong giai đoạn từ 72 đến 120 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15–20km và có xu hướng suy yếu dần.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định đây là cơn bão mạnh và di chuyển nhanh, khả năng gây gió mạnh, sóng lớn trên biển và ảnh hưởng đến đất liền nước ta trong những ngày tới.
Trước diễn biến của bão, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có công điện khẩn gửi các tỉnh Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lăk, yêu cầu theo dõi sát tình hình, rà soát phương án bảo đảm an toàn công trình, bến cảng, hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản và dân cư ven biển.
Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, xung yếu, đang thi công; sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; chính quyền cấp xã chỉ đạo lực lượng liên quan thông báo tới từng hộ dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Từ đầu năm, Biển Đông đã xuất hiện hai cơn bão. Trong đó, bão Danas không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam, còn bão Wutip hồi tháng 6 không đổ bộ nhưng hoàn lưu phía tây đã gây đợt mưa lớn kéo dài tại Trung Trung Bộ từ ngày 11 đến 13/6.