Bão Yagi bắt đầu vào đất liền: Gió cực mạnh, mưa như trút, cây đổ la liệt; Hải Phòng- Quảng Ninh mất điện diện rộng

Đến 13h chiều nay (7/9), tâm bão số 3 đã nằm ngay trên vùng ven bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh, với sức gió mạnh nhất: Cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16. Kịch bản xấu nhất đã xảy ra khi bão vẫn giữ cường độ rất mạnh, đồng thời vùng ảnh hưởng mở rộng ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 với Hải Phòng - Quảng Ninh là khu vực trực tiếp chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 3 với gió mạnh khoảng cấp 11-12, giật cấp 13-14. Cấp thiên tai có khả năng gây thiệt hại lớn về người, vật nuôi, thiệt hại nặng nề về tài sản, công trình hạ tầng.

Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng trực, dự báo bão số 3 tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Sáng 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng trực, dự báo bão số 3 tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Binh và Thanh Hóa chịu tác động của rủi ro thiên tai cấp 3. Khu vực này có thể đón gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12 với khả năng gây thiệt hại về người, vật nuôi, thiệt hại lớn về tài sản, công trình hạ tầng.

Từ đêm nay đến sáng mai (8/9), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục giữ cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 tại khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình và Nam Định.

Theo thông tin mới cập nhật, tính đến 13h, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, bão số 3 đã làm 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100; Hải Phòng 46); 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng.

Bão số 3 gây thiệt hại ở Quảng Ninh.

Bão số 3 gây thiệt hại ở Quảng Ninh.

Theo ghi nhận, tại Tiền Hải (Thái Bình) có mưa lớn, gió giật mạnh, một số thiệt hại đường điện trên đê biển Cồn Vành bị đứt, một số nơi khác có cây đổ.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Kế - Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, cho biết, từ 8h sáng huyện Tiền Hải đã cắt điện để đảm bảo an toàn. Tại các xã đều bố trí máy phát để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Ngoài ra, các xã đều có các tổ công tác ứng trực để xử lý, di dời cây cối đổ, đảm bảo giao thông không bị tắc nghẽn và xử lý các tình huống khác. Hiện, trên toàn huyện chưa có điểm nào bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Đại tá Vũ Kim Tấn - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, cho biết: Hiện nay, địa bàn huyện Tiền Hải có mưa to, kèm theo gió giật khoảng cấp 7-8. Qua kiểm tra, tất cả các tàu thuyền đánh bắt hải sản ở vùng biển Thái Bình và người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản đã vào bờ tránh trú trước 18 giờ ngày 6/9. Tàu thuyền được ngư dân, lực lượng chức năng hướng dẫn, hỗ trợ chằng chống, neo đậu an toàn.

Mưa lớn xảy ra tại Quảng Ninh - Hải Phòng.

Mưa lớn xảy ra tại Quảng Ninh - Hải Phòng.

Thông tin từ UBND huyện Cát Hải, thời điểm 12h trên đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, Hải Phòng) gió đã giật cấp 9, cấp 10, có mưa lớn. Theo báo cáo của chính quyền địa phương, đã có một số thiệt hại nhỏ liên quan đến đường dây điện.

Huyện đã thành lập 2 tổ công tác chỉ đạo điều hành phòng chống bão số 3 tại đảo Cát Bà, thị trấn Cát Hải do các đồng chí lãnh đạo UBND huyện làm tổ trưởng. Tổ chức thông tin, tuyên truyền về diễn biến của bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân nắm rõ, chủ động phòng tránh.

Theo báo cáo mới nhất, UBND huyện đã hoàn thành công tác sơ tán nhân dân tại các vị trí xung yếu về nhà người thân, nơi tránh trú an toàn với tổng số 288 hộ/754 người gồm: Gia đình chính sách (122 người), người già (191 người), trẻ em (156 người), phụ nữ (133 người), lao động khác (152 người).

Từ 21h30, ngày 6/9, huyện đã thực hiện xong việc sắp xếp cho 205 công nhân của các nhà thầu xây dựng các dự án trên địa bàn thị trấn Cát Hải tránh trú an toàn tại 3 điểm tại nhà văn hóa, tổ dân phố Đôn Lương, Trường Mầm non thị trấn Cát Hải và Trung tâm Văn hóa thị trấn Cát Hải.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3.

Qua kiểm tra thực tế và nghe các địa phương trong tỉnh báo cáo nhanh về công tác phòng, chống bão số 3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, diễn biến của bão số 3 vẫn rất phức tạp. Do đó, ông yêu cầu tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác chuẩn bị ứng phó với các tình huống có thể phát sinh, nhất là tại các vị trí xung yếu như: Hồ đập, các tuyến đê biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để người dân quay trở lại các lồng bè, tàu đang neo đậu khi chưa đảm bảo an toàn.

“Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân ở vùng bị ảnh hưởng bởi bão khi cần thiết; sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi có vấn đề xảy ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.

Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan NN&PTNT yêu cầu phải lên phương án sẵn sàng ứng phó hoàn lưu sau bão. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu cơ chế xây dựng các cộng đồng dân cư ven biển để lấy đây là hạt nhân triển khai công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở.

H.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-yagi-bat-dau-vao-dat-lien-gio-cuc-manh-mua-nhu-trut-cay-do-la-liet-hai-phong-quang-ninh-mat-dien-dien-rong-176703.html