'Bão Yagi', 'iPhone 16' lọt top xu hướng tìm kiếm

Những sự kiện nổi bật trong quý III như bão Yagi đổ bộ, iPhone 16 ra mắt khiến lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan tăng vọt.

 "Bão Yagi" là một trong những từ khóa tìm kiếm phổ biến quý III. Ảnh: Cốc Cốc.

"Bão Yagi" là một trong những từ khóa tìm kiếm phổ biến quý III. Ảnh: Cốc Cốc.

Theo dữ liệu truy vấn tìm kiếm của Cốc Cốc, “bão Yagi”, “sao kê Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, “iPhone 16”, “check VAR”... là những từ khóa được người dùng Việt tìm kiếm nhiều nhất trong quý III.

Giải trí là chủ đề được tìm kiếm phổ biến, xếp sau là công nghệ, thể thao, du lịch và đồ ăn. Trong đó, thể thao ghi nhận sự tăng trưởng nổi bật, lượng tìm kiếm tăng 22% so với quý trước.

Cụm từ tìm kiếm thịnh hành nhất

Trong quý III, bão Yagi là sự kiện thu hút quan tâm lớn. Theo ghi nhận, người dùng thường xuyên tìm kiếm thông tin về bão và thiệt hại. “Bão Yagi” và “bão số 3” là các từ khóa tìm kiếm nổi bật.

Những từ khóa liên quan hậu quả bão lũ, như “lũ quét/sạt lở Làng Nủ” và “sập cầu Phong Châu” cũng nằm trong top từ khóa thịnh hành, bên cạnh các cụm từ liên quan hoạt động cứu trợ, minh bạch tài chính như “sao kê Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (lượt tìm kiếm tăng 19.070% so với quý trước) hay “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (tăng 349%).

 Một số từ khóa tìm kiếm thịnh hành trong quý III. Ảnh: Cốc Cốc.

Một số từ khóa tìm kiếm thịnh hành trong quý III. Ảnh: Cốc Cốc.

Những nhân vật nổi bật thu hút lượng tìm kiếm đáng kể. Các từ khóa “Quốc tang” và “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần” được tìm kiếm liên tục trong nhiều ngày, thể hiện lòng tiếc thương và sự kính trọng của người dân đối với ông.

Bên cạnh sự kiện trong nước, các nhân vật quốc tế như “Donald Trump” cũng lọt top tìm kiếm khi ông trở thành tâm điểm truyền thông bởi các sự kiện liên quan chính trị Mỹ và tranh luận trong quá trình bầu cử, trong đó có vụ việc “Donald Trump bị bắn”.

"Check VAR" và "phông bạt" phổ biến trên mạng xã hội

Quý III chứng kiến sự lan truyền của các từ lóng, đáng chú ý là “check VAR” (tăng trưởng 843% so với quý trước) và “phông bạt” (347%). Các từ này nổi lên sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố sao kê số tiền ủng hộ khắc phục hậu quả bão lũ.

“Check VAR” vốn xuất phát từ bóng đá, nhưng giờ được Gen Z sử dụng rộng rãi để ám chỉ việc kiểm chứng thông tin xác thực. Trong khi đó, “phông bạt” chỉ người thích khoe mẽ, phóng đại sự thật.

 Người dùng tìm kiếm từ khóa "đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới". Ảnh: Cốc Cốc.

Người dùng tìm kiếm từ khóa "đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới". Ảnh: Cốc Cốc.

Trên mạng xã hội, “ai sợ thì đi về” và “phong cách” phổ biến sau câu nói gây sốt của rapper MCK. Những cụm từ này được sử dụng như meme để thể hiện cái tôi cá nhân, không quan tâm ý kiến trái chiều.

Cụm từ thịnh hành khác là “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” xuất phát từ câu nói của NSND Tự Long, mô tả cảm xúc vui vẻ tột độ. Theo Cốc Cốc, từ khóa này cũng lọt top tìm kiếm thịnh hành trong quý III.

"iPhone 16", "Windy" là từ khóa công nghệ phổ biến

Ứng dụng theo dõi thời tiết Windy, xác thực sinh trắc học và iPhone 16 là những từ khóa công nghệ phổ biến trong quý III.

Theo Cốc Cốc, lượng tìm kiếm về “Windy” tăng 892% so với quý II. Đây là ứng dụng cho phép theo dõi trực tiếp diễn biến thời tiết, đặc biệt là lộ trình và sự thay đổi của bão.

“iPhone 16” cũng là chủ đề được cộng đồng quan tâm, lượng tìm kiếm tăng 322% so với quý trước. Dù vậy, sức nóng của iPhone 16 có phần kém hơn bản tiền nhiệm. Vào ngày ra mắt, lượng tìm kiếm “iPhone 15” cao gấp 1,3 lần so với iPhone 16.

 Lượng tìm kiếm về iPhone 16 trong ngày ra mắt thấp hơn so với thời điểm ra mắt iPhone 15. Ảnh: Cốc Cốc.

Lượng tìm kiếm về iPhone 16 trong ngày ra mắt thấp hơn so với thời điểm ra mắt iPhone 15. Ảnh: Cốc Cốc.

Người dùng cũng chủ động tìm kiếm về “xác thực sinh trắc học” khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong quý III, lượng tìm kiếm từ khóa này tăng 1.991% so với quý trước.

Một sự kiện trong nước đáng chú ý khác là tắt sóng 2G. Theo thông tư 10/2024/TT-BTTTT, hệ thống 2G sẽ ngừng hỗ trợ thiết bị chỉ 2G từ ngày 15/10 (lùi một tháng so với dự kiến trước đó vì bão Yagi). Với sự thay đổi này, từ khóa “tắt sóng 2G” tăng trưởng 462% về lượng tìm kiếm so với quý trước.

Chương trình thực tế và trò chơi điện tử

Trong lĩnh vực giải trí, “Anh Trai Say Hi” và “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” dẫn đầu danh sách từ khóa tìm kiếm thịnh hành nhóm chương trình giải trí, tiếp theo là “Miss Universe”, “Đảo Thiên Đường” và “Rap Việt mùa 4”.

Phim truyền hình Việt Nam chứng tỏ sức hút ngày càng tăng, bên cạnh các bộ phim Trung Quốc và Hàn Quốc. Những phim Việt lọt top tìm kiếm trong quý III gồm “7 năm chưa cưới sẽ chia tay”, “Đi giữa trời rực rỡ” và “Hùng long phong bá 3”.

 Những cụm từ tìm kiếm thịnh hành trong các chủ đề thuộc lĩnh vực giải trí. Ảnh: Cốc Cốc.

Những cụm từ tìm kiếm thịnh hành trong các chủ đề thuộc lĩnh vực giải trí. Ảnh: Cốc Cốc.

Trong nhóm trò chơi, “Black Myth Wukong” được tìm kiếm nhiều nhất. Lấy cảm hứng từ Tây Du Ký, tựa game tạo nên cột mốc mới khi bán 10 triệu bản trong 3 ngày ra mắt. So với quý trước, lượt tìm kiếm về trò chơi tăng 3.108%.

"Pickleball" lọt top chủ đề thể thao

Thể thao chứng kiến lượng tìm kiếm nhiều hơn quý trước, đặc biệt với pickleball, bộ môn “lai” giữa tennis, bóng bàn và cầu lông. Sự quan tâm về “pickleball” tăng 426% so với quý trước, nhờ người nổi tiếng hưởng ứng và tranh cãi về trang phục.

Diễn ra trong tháng 6-7, UEFA Euro 2024 là tâm điểm của người hâm mộ bóng đá. Từ khóa “Euro” ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 894% so với quý trước, bên cạnh các cụm từ liên quan như “lịch thi đấu Euro 2024” và “bảng xếp hạng Euro”.

 Một trong các khu vực tổ chức eSports World Cup 2024. Ảnh: Bloomberg.

Một trong các khu vực tổ chức eSports World Cup 2024. Ảnh: Bloomberg.

Giải bóng đá “Copa America” cũng thu hút chú ý với mức tăng trưởng tìm kiếm 5.813%. Đồng thời, “Olympic Paris 2024” diễn ra trong tháng 7-8 ghi nhận tăng trưởng 2.655%.

Trong quý III, LCK Mùa Hè 2024 và eSports World Cup 2024 là các giải đấu thể thao điện tử được chú ý. “l:ịch thi đấu LCK” và “eSports World Cup” lọt top từ khóa tìm kiếm thịnh hành nhóm eSports.

Du lịch và thức ăn

Quý III, người dùng Cốc Cốc có xu hướng tìm kiếm các điểm du lịch nội địa miền Bắc, gồm “Rừng Quốc gia Cúc Phương” và “Đền Bà Triệu”. Đáng chú ý, địa điểm ở các tỉnh miền núi như “Mù Cang Chải” và “Tà Xùa” ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 35% và 20%.

Đứng đầu danh sách từ khóa thịnh hành du lịch quốc tế là “Canada”, tăng trưởng 110% so với quý trước. Vé máy bay cũng là nội dung tìm kiếm nổi bật, những từ khóa nổi bật gồm “vé máy bay đi Mỹ”, “vé máy bay đi Bali” và “vé máy bay đi Thái”.

Với chủ đề đồ ăn, quý III chứng kiến sự quan tâm các món ăn truyền thống, gồm “bánh trung thu” với mức tăng trưởng 223%, trong khi món “cốm” tăng 42% so với quý trước.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/bao-yagi-check-var-iphone-16-lot-top-xu-huong-tim-kiem-post1503082.html