Bấp bênh nghề làm muối
Vùng sản xuất muối Tuyết Diêm (TX Sông Cầu). Ảnh: LÊ TRÂM
Sống bằng nghề làm muối nhưng thu nhập bấp bênh, nhiều diêm dân ở Tuyết Diêm, Lệ Uyên, Trung Trinh (TX Sông Cầu) không còn mặn mà với nghề phơi nắng sợ mưa này, khiến ruộng muối ngày càng thu hẹp dần.
Nghề làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Có năm diêm dân thiệt hại hàng tỉ đồng vì mưa liên tục, ruộng không đóng muối được.
Làm muối không có dư
Gánh đôi thúng muối trắng tinh nặng trĩu trên vai trên cánh đồng muối Tuyết Diêm (xã Xuân Bình), bà Trần Thị Hiền chia sẻ: Đợt này nắng đều, hạt muối trắng, to nên bà con diêm dân vơi bớt nhọc nhằn. Mà cũng chỉ gần đây, ruộng làm muối ăn được mấy lứa, còn trước đó do mưa kéo dài nên ruộng ngâm nước ngọt.
Gia đình bà Hiền có 3 người đang cào muối trong ô thành từng đống nhỏ rồi thay phiên nhau xúc lên xe rùa đẩy vào bờ, gánh đổ dồn thành đống lớn, chờ thương lái tới thu mua. Bà Hiền cho biết có năm muối ế, bờ ruộng ngốn đầy muối. Thương lái làm dày nói không có mối tiêu thụ, ép giá, ép ký, muối tồn không có chỗ chứa nên diêm dân bán đổ bán tháo. “Làm ra được hột muối đâu phải dễ, từ khâu đầm da ruộng muối đến khâu lấy nước biển đều làm thủ công dưới trời nắng nóng. Đến khi ruộng đội muối (kết kinh), diêm dân giữa trưa phải ra ruộng gạn cho nước bắt muối nhanh, có người say nắng ngã nhào. Vậy mà thương lái ép giá, cứ 100 bao họ trừ 5 bao, nói là do muối đen nhiều nên trừ bì. Có lúc muối yếu nắng, bán 100 bao thì thương lái trừ bì gần nửa tấn. Họ bảo muối yếu nắng khi hầm bốc hơi, thành phẩm đạt thấp. Không riêng tôi, ở đây ai bán muối cũng bị trừ bì. Ngày công lao động tính ra không được 50.000 đồng, phải làm số nhiều mới bù lại, gọi là lấy công làm lời chớ làm muối không có dư”, bà Hiền nói.
Cạnh núi muối bà Hiền vừa gánh đổ đống là ruộng muối của ông Bùi Trung, đang lấy nước mặn dẫn từ ô này sang ô kia. Ông Trung cho hay: Nghề làm muối thì lớp già làm chứ tụi trẻ ngán lắm, hầu hết bỏ đi làm ăn xa. Ngặt nỗi, ruộng ở đây sang qua sớt lại chẳng biết làm gì ngoài làm muối. Có năm muối ế, những người mướn đất thì bỏ nghề vì không có ăn, thua lỗ; còn người có ruộng thì bỏ ruộng hoang vì làm muối không có dư để trả công thuê mướn. “Có năm tôi thu hoạch gần 2.000 bao muối, 1 bao cột miệng 50kg bán với giá 35.000 đồng, thương lái trừ đầu trừ đuôi, cuối vụ chỉ thu được 35 triệu đồng. Tính ra ngày công lao động làm muối quá thấp nên diêm dân không còn mặn mà với nghề phơi nắng, sợ mưa này. Hai năm nay thì được nắng, sản lượng tăng nhưng giá muối lên xuống thất thường, vậy nên làm muối chỉ mong đủ ăn, không có dư”, ông Trung chia sẻ.
Mong muối được mùa, không mất giá
Tại vùng muối Lệ Uyên (xã Xuân Phương), bà con diêm dân vẫn nhọc nhằn duy trì nghề làm muối, mong đầu ra ổn định, không lo muối ế. Bà Nguyễn Thị Lanh, người theo nghề này từ thời còn con gái, bày tỏ: “Làm nghề này cực khổ nhưng khi muối được giá, bán chạy, ai cũng ham làm. Tuy nhiên có năm muối tồn hàng trăm tấn, chất thành núi phủ bạt trải dài trên bờ ruộng, có đống tồn 2-3 năm. Làm muối ở đây chủ yếu bán thô cho các thương lái, cơ sở sản xuất, chế biến. Tại vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh, Tuyết Diêm, hầu như năm nào cũng có muối tồn do bị tư thương ép giá”.
Còn bà Trần Thị Về, chủ cơ sở sản xuất muối hầm ở Tuyết Diêm, cho biết trước đây vùng này có 16 lò hầm muối, bây giờ giảm hơn nửa. Nguyên nhân là do diêm dân không còn mặn mà với nghề sản xuất muối, ruộng bỏ hoang. Số diện tích sản xuất thì do giá thấp, nhiều người tủ bạt trữ lại chờ giá nên lượng muối về các lò hầm ít. Theo bà Về, để diêm dân mặn mà với nghề làm muối, ngành chức năng cần đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, đầu tư công nghệ làm muối sạch để có thể cạnh tranh trên thị trường. Giá trị kinh tế của hạt muối cao hơn thì đời sống của người làm nghề mới khá lên được. Khi đó, chắc chắn không ai bỏ nghề muối.
Vùng muối Tuyết Diêm được quy hoạch sản xuất muối trải bạt. Thời gian qua, ngành chức năng cùng UBND TX Sông Cầu quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ để bà con phát triển nghề muối. Từ sản xuất theo phương pháp kết tinh trên nền đất, các hộ đã chuyển sang phương pháp kết tinh muối trên nền trải bạt, giảm đáng kể giá thành sản xuất muối. Tuy nhiên, việc sản xuất muối trải bạt vẫn chưa được nhân rộng.
Theo Sở NN&PTNT, trước đây TX Sông Cầu có 183ha muối, với tổng sản lượng muối hàng năm khoảng 11.100 tấn. Tuy nhiên, gần đây cánh đồng muối thu hẹp còn khoảng 130ha. Riêng năm 2023 này chỉ sản xuất 118ha, trong đó có 15ha sản xuất muối sạch áp dụng phương pháp trải bạt. Hiện giá muối sạch được thu mua khoảng 2 triệu đồng/tấn, thấp hơn 1 triệu đồng/tấn so với năm ngoái. Giá bán muối thô khoảng 1,6 triệu đồng/ tấn, giảm 400.000 đồng/tấn. Năm ngoái muối được giá, nhưng diêm dân Sông Cầu chỉ thu hoạch được khoảng 500 tấn muối. Ước tính, vụ muối năm 2022, diêm dân TX Sông Cầu thiệt hại hàng tỉ đồng vì lý do thời tiết. Còn năm nay, thời tiết nắng nóng, tạo nhiều thuận lợi cho diêm dân sản xuất muối. Để đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư, các ngành chức năng và TX Sông Cầu đang tiến hành rà soát diện tích quy hoạch đối với dự án Nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối Tuyết Diêm.
“Chỉ mong sao muối được mùa mà không mất giá. Có như vậy những ruộng muối mới không bỏ hoang, đời sống của diêm dân bớt đi phần nào cơ cực”, ông Bùi Trung bày tỏ.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/299315/bap-benh-nghe-lam-muoi.html