Bắp biến đổi gen gặp khó ở Việt Nam, vì đâu?
Có 16 giống bắp biến đổi gen được Bộ NN&PTNT công nhận.
Lượng hạt giống bắp biến đổi gen (GMO) đã cung cấp ra thị trường Việt Nam khoảng 200 tấn tương ứng với diện tích trồng khoảng 100.000 ha. Tuy nhiên, hiện tại tốc độ phát triển của bắp GMO ra ngoài sản xuất còn hạn chế.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết tại Hội thảo Tác động kinh tế-xã hội và môi trường của cây trồng công nghệ sinh học trên toàn cầu - Tiềm năng lợi ích cho việc ứng dụng tại Việt Nam do Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức chiều 8-9 tại TP.HCM.
Theo ông Định, cây trồng GMO mà cụ thể là bắp đã có thời gian hơn 10 năm để hoàn thiện các văn bản pháp lý cho phép thương mại hóa từ khung pháp lý an toàn sinh học, về an toàn để làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sau đó cây trồng GMO được khảo nghiệm các bước để so sánh tính tương đồng.
“Đến nay có bốn sự kiện giống bắp GMO đã được công nhân an toàn sinh học và điều kiện làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của hai công ty Dekalb Việt Nam và Syngenta Việt Nam. Thế nhưng cây trồng GMO còn một số bất cập phát sinh trong lộ trình thương mại hóa (công nhận) giống”, ông Định chia sẻ.
Ông Định cho rằng bắp GMO tại Việt Nam vẫn khó phát triển là do giá thành vẫn cao hơn so với bắp nhập khẩu từ các nước châu Mỹ như Argentina, Brazil… Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa có những vùng sản xuất quy mô thích ứng với cây bắp, sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ.
TS Graham Brookes, Viện PGEconomics, Vương quốc Anh, cho biết lợi ích của bắp GMO là năng suất cao, chất lượng hạt thương phẩm tốt, giảm thiệt hại do sâu bệnh nhờ kháng sâu đục thân. Áp dụng biện pháp quản lý cỏ dài hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công…
Nhưng TS Graham vẫn lo ngại những tác động tiêu cực của cây trồng GMO vì khảo sát thực trạng các nước trên thế giới, sự phụ thuộc vào glyphosate của nông dân tại khu vực châu Mỹ khi sử dụng đối với cây trồng chống chịu thuốc trừ cỏ đã tạo ra vấn đề cỏ kháng thuốc. Khi đó nông dân phải điều chỉnh và thay đổi các biện pháp kiểm soát cỏ dại, khiến lượng sử dụng thuốc trừ cỏ tăng, chi phí cũng tăng lên.
Nguồn PLO: http://plo.vn/kinh-te/bap-bien-doi-gen-gap-kho-o-viet-nam-vi-dau-726152.html