Bất an

Chưa đầy một tuần sau lễ khai giảng, nụ cười, niềm vui mừng, háo hức đón chào năm học mới của hàng chục triệu phụ huynh và học sinh chợt tắt vì những nỗi đau và sự lo lắng cho tính mạng của các em học sinh.

Bài học đầu năm còn chưa ráo mực trên mỗi trang vở, đã có 10 học sinh tử vong một cách đau xót cùng nhiều học sinh thương tích sau hàng loạt vụ tai nạn thương tâm ngay trong khuôn viên trường học và ngay sau khi kết thúc giờ học. Tai nạn xảy ra cũng rất đa dạng, từ chuyện sập tường, chuyện đuối nước, đến tai nạn giao thông, rơi quạt trần, ngộ độc thức ăn.

Những tai nạn như vậy năm nào cũng có, nhưng bây giờ lại trở thành nỗi ám ảnh của bất cứ phụ huynh, học sinh nào bởi nó xảy ra liên tiếp ngay trong tuần đầu tiên của năm học mới. Liệu ai dám chắc những vụ việc tương tự sẽ không tái diễn trong suốt thời gian còn lại của năm học?

Tôi có một người bạn mà nhiều người gọi là “người mẹ vĩ đại” bởi chị đã nhẫn nại đưa con gái đi học suốt 12 năm trời, từ khi cháu học lớp 1 cho đến khi vào đại học. Mọi người chê cười, bảo chị làm thế sẽ làm hư con mình, khiến cháu thụ động, ỷ lại, sau này dù lớn cũng chỉ là đứa trẻ to xác. Nhưng chị có lý do riêng của mình.

Đó là vì chị từng mất một cháu trai do tai nạn giao thông khi cháu tự đi xe đạp đến trường. Cái chết của người con xấu số khiến chị không yên tâm khi để cho cháu thứ hai tự đi học. Và chị bất đắc dĩ phải trở thành “người mẹ vĩ đại”. Bất chấp công việc bận rộn thế nào, rất nhiều phụ huynh buộc phải bỏ thời gian, công sức đưa đón con hằng ngày.

Lý do để các bậc phụ huynh trở thành những tài xế taxi, tài xế xe ôm là bởi họ nhận thấy quá nhiều hiểm nguy rình rập con em mình khi các cháu ra khỏi nhà. Trên đường phố, ngoài trường học đương nhiên khó yên tâm, nhưng ngay cả trong trường học cũng chưa hẳn an toàn với học sinh, chưa hẳn khiến các bậc phụ huynh yên tâm.

Những tưởng mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Chẳng thể ngờ những nỗi đau có thể bắt nguồn từ nơi tưởng chừng an toàn nhất ấy. Chỉ sau một bữa ăn, hàng chục học sinh ngộ độc thực phẩm. Chưa kịp rời khỏi trường, có những đứa trẻ vĩnh viễn ra đi bởi bức tường đổ sập, thêm những em nhỏ tàn tật vì tai nạn học đường, thêm nỗi đau chồng chất trong mỗi gia đình nhỏ…

Theo một thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 370.000 học sinh bị tai nạn thương tích ở trong và bên ngoài nhà trường. Học sinh là lứa tuổi còn nhiều hiếu động và không có nhiều kỹ năng cơ bản để phòng tránh thương tích cho bản thân, kể cả học sinh bậc trung học phổ thông. Trong khi đó, giáo dục kỹ năng sống, bao gồm kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng ngừa tai nạn, dù đã được chú trọng ở nhiều trường học cũng mới chỉ là những bài học vỡ lòng.

Ngay cả khi các em thuần thục những kỹ năng tự bảo vệ bản thân thì một xã hội an toàn vẫn là điều quan trọng nhất.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/bat-an-1720238.tpo