Bất an 'mùa lở'
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển xảy ra 13 vụ sạt lở đất ven sông (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ xảy ra 4 vụ), ảnh hưởng đến 15 hộ dân, thiệt hại tài sản gần 300 triệu đồng. Sạt lở đất xảy ra tại hầu hết các xã, thị trấn. Ðáng quan tâm là tình trạng sạt lở diễn ra với cường độ mạnh, ăn sâu vào đất liền, đe dọa trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân. Không chỉ quy mô, tần suất tăng mà những điểm sạt lở đều xảy ra bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước, khiến công tác phòng tránh gặp khó khăn.
Bà Phạm Thị Cẩm Tú, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, vẫn chưa hết bàng hoàng khi căn nhà của gia đình vài ngày trước bất ngờ bị nhấn chìm xuống sông. Ðó là vào khoảng 22 giờ, đêm 4/7. Vụ sạt lở đã làm thiệt hại toàn bộ căn nhà cùng tất cả đồ đạc. Vị trí sạt lở có chiều dài khoảng 30 m, rộng 20 m, ăn sâu vào bờ. Hiện nơi này có nguy cơ tiếp tục sạt lở.
Bà Tú chia sẻ: “Sạt lở giờ bất ngờ lắm, không có dấu hiệu gì trước. Vào mùa mưa là bắt đầu sạt lở, mình sinh sống ven sông cứ phập phồng lo sợ, nhưng tránh không kịp. Tôi cũng mong muốn được di dời đến nơi khác ở, để không còn nỗi lo vào mùa mưa, không phải chong đèn đi canh sạt lở”.
"Tập tục sinh hoạt kinh doanh của bà con gắn liền với sông nước, khi xảy ra sạt lở thì người dân hầu như trắng tay. Gia đình tôi cũng hai, ba lần bị ảnh hưởng sạt lở nhưng không biết dời đi đâu để sống. Bởi cuộc sống của tôi gắn liền với biển, với rừng; chuyển nơi ở mới, mình đâu có nghề, có tiền để kinh doanh”, ông Phan Văn Ðiền, ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, tâm sự.
Những năm gần đây, sạt lở diễn biến hết sức phức tạp, mức độ, phạm vi ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Gia đình bà Nguyễn Thị Yến, ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, hiện như ngồi trên đống lửa, bởi sạt lở bờ biển đã ăn sâu vào vuông nuôi tôm của gia đình. Theo bà Yến, năm 2008 gia đình bà nhận chuyển nhượng đất từ một hộ dân để nuôi tôm, khi đó bờ biển cách vuông tôm hơn 3 km. Trong thời gian 15 năm, biển đã ăn sâu vào vuông nuôi tôm. Gia đình mỗi năm bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê xáng cuốc đắp đê ngăn sạt lở nhưng mùa nước dâng, sóng biển đánh mạnh vào làm con đê bảo vệ sản xuất bị gãy khiến tôm, cá thất thoát.
“Trước đây cuộc sống gia đình dựa vào miếng vuông 5 ha, nhưng giờ sóng biển đã khoét sâu vào vuông làm sạt lở hơn 2,5 ha. Gia đình còn lại khoảng 2,5 ha nhưng đâu sản xuất được gì, bởi sóng biển cứ khoét sâu vào đất liền mỗi ngày. Cuộc sống khó khăn chồng chất, giờ không biết làm sao để phòng sạt lở, chỉ mong rằng Trung ương, tỉnh hỗ trợ xây dựng bờ kè ven biển để bảo vệ hàng chục hộ dân đang sinh sống ở đây”, bà Yến bộc bạch.
Nhìn vuông của mình mỗi ngày bị sóng biển đe dọa, ông Nguyễn Văn Tẻo, ấp Chợ Thủ B, trăn trở: “Vuông của tôi giờ cách bờ biển chưa đến 70 m, tôi chỉ ước rằng sóng biển đừng ăn sâu vào nữa để bà con nuôi tôm an tâm sản xuất. Hiện giờ đâu ai dám thả nuôi tôm, cua gì. Bởi vào tháng nước dâng, đất cứ lở, biển cứ ăn sâu vào đất liền, gây sạt lở mạnh, tôm cá ra hết. Mỗi năm trên khu vực này biển ăn sâu vào đất liền hàng chục mét, có những đoạn đến hàng trăm mét”. Ông Tẻo cho biết thêm, trước đây trên địa bàn này có hơn 70 hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi tôm, nhưng hiện nay do sạt lở không sản xuất được, 35 hộ đã bỏ đi nơi khác sinh sống.
Ông Lâm Trường Hải, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây, cho biết, sạt lở diễn ra không theo quy luật tự nhiên và không có hiện tượng gì từ trước. Do đó, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cảnh báo người dân sinh sống khu vực ven sông, ven biển nâng cao ý thức trong phòng tránh sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, tính mạng, đặc biệt là vào mùa mưa và nhất là ban đêm.
Ngoài ra, xã đang tiếp tục rà soát các khu vực sạt lở nguy hiểm để sớm di dời người dân vào nơi an toàn; đồng thời bố trí lực lượng tại chỗ, sẵn sàng ứng cứu khi có sạt lở xảy ra. Xã tiếp tục kiến nghị cấp trên xem xét, bố trí tái định cư, xây dựng các bờ kè ven sông, ven biển để bảo vệ hơn 500 hộ dân trên địa bàn xã có nguy cơ sạt lở cao./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bat-an-mua-lo--a28473.html