Bất an trong những ngôi nhà chờ sập ở TP. Đà Nẵng
Hàng trăm hộ dân tại TP. Đà Nẵng đang phải 'gồng mình' sống trong những chung cư có thể đổ sập bất cứ lúc nào, trong khi nhiều năm qua, Đà Nẵng vẫn loay hoay xây dựng phương án tháo dỡ và thời hạn di dời.
Nơm nớp lo âu
Chung cư xuống cấp trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân Đà Nẵng. Nhất là khi mưa bão, người dân phải khẩn cấp di dời, ở tạm nơi khác để đảm bảo an toàn, vậy nhưng, suốt nhiều năm qua, chính quyền Đà Nẵng vẫn loay hoay xây dựng phương án sau khi di dời các chung cư này, mà chưa ấn định được phương án nào. Điều này kéo theo người dân phải tiếp tục sống bất an những ngôi nhà chờ sập.
Ông Lương Công Tuấn (đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng) phản ánh, 3 khối nhà ở chung cư Thuận Phước (quận Hải Châu), Hòa Minh (quận Liên Chiểu) xuống cấp, tường hư hỏng, cây cỏ mọc bám cả trên tường, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
“Khoảng 650 gia đình, tức là khoảng 2.000 người ở chung cư Thuận Phước, Hòa Minh chưa biết di dời đi đâu. Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng có phương án gì với 2 chung cư này để đảm bảo an toàn tình mạng, tài sản của người dân”, đại biểu Tuấn đặt câu hỏi.
Cũng theo đại biểu này, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng báo cáo đây là những chung cư được xếp hạng C (còn sử dụng được), nhưng thực chất người dân đang ở không được, tầng 1 nước cũng chảy vào nhà.
“Người dân ở đây thực sự là rất khó khăn, toàn hộ nghèo và cận nghèo. Dân chỉ muốn có cái chung cư mới để tiếp tục được thuê để an cư lạc nghiệp”, đại biểu Tuấn cho hay.
Trong khi đó, đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cũng đặt vấn đề, từ tháng 7/2023, vấn đề này đã được các đại biểu HĐND Thành phố chất vấn và đến bây giờ đã là tháng 12, nhưng chưa thấy chuyển biến gì.
“Từ năm 2017, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đánh giá chung cư Hòa Minh, Thuận Phước đến năm 2020 là hết hạn sử dụng. Trong luật nói rõ, các chung cư đã hết hạn sử dụng thì phải cưỡng chế dân ra ngoài, chứ không phải chờ các phương án tái định cư đâu. Đã quá hạn 3 năm rồi mà vẫn chờ phương án là không thuyết phục”, đại biểu Vũ Quang Hùng nói.
Đề xuất dùng ngân sách đầu tư cho các hộ dân thuê
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, qua kiểm tra, rà soát, xác định chung cư Thuận Phước (quận Hải Châu), chung cư Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã xuống cấp. Năm 2022, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm định lại 3 khối nhà các chung cư này và xác định đang ở cấp độ C.
Theo quy định của Bộ Xây dựng, nhà chung cư cấp độ C vẫn có thể sửa chữa để cho tồn tại. Tuy nhiên, với các khối nhà chung cư này có nhiều bất cập nếu sửa chữa, nên Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã đề xuất và Thành phố thống nhất di dời 3 chung cư này, thời gian dự kiến trong năm 2024 - 2025.
Theo ông Phong, có 2 phương án đối với người dân ở các khu chung cư này khi di dời. Thứ nhất, Thành phố dùng ngân sách xây chung cư mới, nhà ở xã hội cho người dân thuê lại. Thứ hai, người dân sẽ mua lại nhà ở xã hội của Thành phố (hiện đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư 2 chung cư tại số 10 - Trịnh Công Sơn và chung cư mới tại chung cư Hòa Minh).
Trong khi đó, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu Sở Xây dựng Thành phố phải có phương án, cam kết thời hạn giải quyết vấn đề tại đây. “Tôi đề nghị Sở Xây dựng phải cam kết thời hạn, cũng như cách xử lý trước mắt”, ông Triết nói.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, theo thời gian, các chung cư như Thuận Phước, Hòa Minh, Lâm đặc sản Hòa Cường đã xuống cấp.
“Quan điểm của UBND TP. Đà Nẵng là, buộc phải di dời dân và thực hiện tháo dỡ. Vấn đề là xử lý cho nhân dân ở đây như thế nào? Dứt khoát phải đảm bảo chỗ ở cho người dân. UBND Thành phố đang kêu gọi đầu tư và dự kiến, năm 2025 sẽ thêm 2 chung cư nhà ở xã hội ở quận Cẩm Lệ và quận Liên Chiểu”, ông Chinh khẳng định.
Ông Chinh đề xuất với HĐND Thành phố là, phải tiến hành rà soát lại các chung cư, căn hộ nằm ở các chung cư hiện có để bố trí trước mắt cho khoảng 500 hộ gia đình. Tiếp theo, UBND Thành phố sẽ rà soát, đánh giá, xin ý kiến của các hộ dân, nếu họ có nhu cầu mua nhà ở xã hội, Thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện. Đối với những người không có khả năng mua nhà ở xã hội, thì phải dùng vốn đầu tư công xây dựng chung cư cho các hộ dân thuê.
“Khi 3 chung cư này tháo dỡ, tôi đề nghị HĐND Thành phố ủng hộ chủ trương có chính sách riêng, giống chính sách hỗ trợ để thuê nhà ở như tái định cư. Tôi cũng đề nghị HĐND Thành phố đề xuất mức hỗ trợ cho những người này trong vòng 2 - 3 năm để ở tạm. Nếu họ có nhu cầu mua nhà ở xã hội, thì sẽ tạo điều kiện để mua; nếu họ không có điều kiện thì Thành phố xây dựng chung cư cho họ thuê”, ông Chinh nói.
Ông Chinh khẳng định, trong thời gian tới, UBND TP. Đà Nẵng sẽ có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện di dời, bố trí chỗ ở cho người dân tại các chung cư xuống cấp.n
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bat-an-trong-nhung-ngoi-nha-cho-sap-o-tp-da-nang-d205931.html