Bất an vì quan điểm 'diều hâu' của Fed, chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc
Giới đầu tư Phố Wall bán tháo cổ phiếu sau khi một quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao đến năm 2024.
Hai trong 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày 1/3, do lợi tức trái phiếu tăng vọt, trong khi thị trường đón nhận bình luận duy trì lập trường chính sách “diều hâu” từ các nhà hoạch định chính sách của Fed.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3, chỉ số S&P 500 sụt 0,47% xuống 3.951,39 điểm, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,66% còn 11.379,48 điểm, còn chỉ số Dow Jones gần như đi ngang khi chỉ cộng thêm 5,14 điểm lên mức 32.661,84 điểm.
Áp lực giảm đối với giá cổ phiếu vẫn lớn khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ duy trì đà tăng của tháng 2. Lợi suất kỳ hạn 10 năm có thời điểm trong phiên giao dịch vượt ngưỡng 4% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Trong khi đó, lợi suất của kỳ hạn 1 năm tăng hơn 5%. Xu hướng đi lên của lợi suất cho thấy nhiều khả năng Fed sẽ phải kéo dài việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Thị trường Phố Wall ở đầu phiên giao dịch nhận được một lực đẩy quan trọng sau khi đón nhận số liệu kinh tế của Trung Quốc khả quan hơn dự báo. Cụ thể, Cục Thống kê Quốc gia của nước này cho biết chỉ số PMI - chỉ số đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất - tháng 2 đã tăng lên 52,6 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Tuy nhiên, nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ở cuối phiên do lo ngại Fed sẽ nâng lãi suất mạnh hơn dự kiến trong cuộc họp chính sách sắp tới.
Trong một phát biểu hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari nói rằng ông sẵn sàng xem xét khả năng tăng lãi suất với bước nhảy lớn hơn trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng này, “có thể là 0,25% hoặc 0,5%”.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, viết trong một bài luận đăng vào ngày 1/3, phạm vi lãi suất sẽ được nâng lên mức 5% đến 5,25% và duy trì ở mức này “đến năm 2024”. Theo ông, mức lãi suất này cũng đồng nghĩa với việc lãi suất sẽ được thắt chặt hơn, tác động đến nền kinh tế, cuối cùng sẽ giúp cán cân cung - cầu cân bằng hơn và do đó lạm phát sẽ đi xuống.
Ông Bostic nhấn mạnh: “Những gì diễn ra trong quá khứ cho thấy nếu chúng ta nới lỏng chính sách trước khi lạm phát thực sự đi xuống, thì giá cả sẽ leo thang trở lại. Điều đó đã xảy ra vào những năm 1970 và có hậu quả ‘thảm khốc’.”
CNBC dẫn lời ông William Northey, Giám đốc đầu tư của US Bank Wealth, nhận xét: “Chúng ta hiện ở giai đoạn bất ổn vì các ngân hàng trung ương đang giảm tốc độ tăng lãi suất và nhà đầu tư đánh giá xem những đợt nâng lãi suất này sẽ tác động thế nào tới nền kinh tế”.
Theo chuyên gia này, diễn biến thị trường trong hai tháng đầu tiên của năm nay chủ yếu bị tác động bởi những thay đổi nhỏ trong kỳ vọng về chính sách tiền tệ trong năm 2023. Ông Northey nói thêm: “Chúng tôi dự báo môi trường trái phiếu sẽ tích cực hơn, nhưng thị trường cổ phiếu toàn cầu và tại Mỹ sẽ biến động mạnh theo cả hai chiều khi thị trường đánh giá “sức khỏe” của người tiêu dùng và doanh nghiệp”.
Phiên giao dịch ảm đạm này diễn ra sau khi thị trường Phố Wall giảm mạnh trong tháng 2. Nếu tính từ đầu năm, Dow Jones đang ở trong trạng thái đi xuống, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn giữ được một phần thành quả khởi sắc đạt được trong tháng 1.
Hiện giới đầu tư sẽ theo dõi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tháng 2 và giá tiêu dùng của Mỹ sẽ được công bố trong những ngày tới để đánh giá lộ trình của lãi suất trước cuộc họp ngày 21-22/3, khi Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 0,25%.
Một số dữ liệu kinh tế được công bố gần đây cho thấy lạm phát đã tăng nhanh hơn dự báo vào tháng 1. Đây là diễn biến đảo ngược bất ngờ sau khi CPI đã hạ nhiệt trong 3 tháng cuối năm 2022. Thị trường lao động vẫn nóng trong đầu năm nay, khi các nhà tuyển dụng tạo thêm 517.000 việc làm vào tháng 1.
.