Bất an vì sạt lở

Mùa mưa bão năm 2025 đã bắt đầu, cũng là lúc tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại các các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu thêm nhiều áp lực, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sinh kế của hàng triệu người dân.

Mất đất canh tác

Ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông thành phố Bạc Liêu là một trong những khu vực sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp nhất của tỉnh Bạc Liêu. Những ngày này triều cường dâng cao, từng cơn sóng dữ vỗ sầm sập như muốn “nuốt chửng” đê bao bảo vệ đất sản xuất của người dân.

Do mất rừng phòng hộ nên một số đoạn đê biển thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) thường xuyên bị sạt lở.

Do mất rừng phòng hộ nên một số đoạn đê biển thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu) thường xuyên bị sạt lở.

Ông Lê Văn Năm (ngụ ấp Biển Đông A) cho hay: “Gia đình tôi nhiều thế hệ sinh sống, canh tác ổn định trên đất này. Trước đây những cánh rừng mắm chạy dài từ đê kè ra ngoài biển tới hàng trăm mét, nhưng giờ đây đất, rừng đã mất dần, khu vực đất mà phía ngoài không còn rừng ngập mặn che chắn. Một số điểm bị sóng biển “nuốt” tạo thành hàm ếch lớn rất nguy hiểm. Ngoài nuôi tôm, gia đình còn trồng màu trên diện tích đất bãi bồi là nguồn sinh kế chủ yếu, hiện đang biến mất dần”.

Từ năm 2016 đến nay, tại khu vực ĐBSCL đã ghi nhận 812 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 1.191km. Trong đó, 315 điểm (tương đương 601km) được xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể, sạt lở bờ sông có 214 điểm dài 254km, sạt lở bờ biển có 101 điểm dài 347 km.

Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng sạt lở. Hiện tại, Bạc Liêu đã xác định 77 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 571km và 6 điểm sạt lở bờ biển, dài hơn 24km; cần tổng vốn đầu tư lên đến 28.035 tỷ đồng cho các công trình phòng, chống sạt lở đến năm 2030.

Cũng như Bạc Liêu, những năm qua, vùng ven biển Cà Mau liên tục hứng chịu tình trạng xói lở nghiêm trọng. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 91km/254km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều công trình như cống, đê biển, đường giao thông, bờ bao... bị hư hỏng, nhiều diện tích rừng ngập mặn bị mất, nhiều ao đầm tôm bị phá hoại. Sạt lở cũng đe dọa đến các khu du lịch của địa phương, làm nhiều nhà dân bị sập, hàng nghìn hộ dân phải di dời đi nơi khác...

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho nhiều đoạn của đai rừng phòng hộ ngày càng mỏng dần, một số vị trí sạt lở đã tiến sâu vào bên trong. Ðặc biệt trong mùa mưa bão, nước biển dâng cộng với sóng to, gió lớn đã phát sinh diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

“Với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không được xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ đe dọa đến các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan Nhà nước, hệ thống điện, sản xuất của người dân và các công trình hạ tầng khác”- ông Tùng nêu thực tế.

Chủ động phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển

Các địa phương khu vực ĐBSCL đã và đang triển khai nhiều giải pháp chống sạt lở như: tập trung xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình phòng, chống tổng hợp, đa mục tiêu và theo từng loại hình (sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập úng, hạn hán).

Bạc Liêu đã và đang triển khai hàng loạt dự án chống sạt lở như: kè Nhà Mát, kè Đông Hải, kè Gành Hào, kè dọc Quốc lộ 1A… Các công trình sử dụng cọc ly tâm, rọ đá, bê-tông cốt thép chống xói lở, chắn sóng, ổn định bờ biển. Bên cạnh giải pháp các công trình thì Bạc Liêu cũng quan tâm các giải pháp phi công trình. Cụ thể như trồng rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, giảm sóng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, bảo vệ tài nguyên ven biển, ven sông; điều chỉnh quy hoạch dân cư, di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm.

Cuối năm 2024, tỉnh Cà Mau phê duyệt Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau (Dự án thành phần cấp địa phương tại tỉnh Cà Mau), trong đó có hợp phần 1 “Phục hồi đê biển” bằng việc xây dựng kè chắn sóng, phòng chống sạt lở, gây bồi tạo bãi và bảo vệ đê biển với chiều dài 7.000 m tại khu vực 2 bên cửa Khánh Hội (huyện U Minh). Cùng với đó là hợp phần “Phục hồi và phát triển rừng” trồng 54,8 ha rừng các loại với tổng kinh phí gần 231 tỷ đồng cũng từ nguồn vay ODA Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và vốn đối ứng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: Với mục tiêu chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, tạo điều kiện ổn định khu vực ven biển, ven sông, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Nguyên Du

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bat-an-vi-sat-lo-10305997.html