Bất an vì xe 'cà tàng'
Hình ảnh những chiếc xe máy, xe mô tô thiếu, mất rất nhiều bộ phận, khung sườn hoen gỉ (thường được gọi là xe 'cà tàng') vẫn hàng ngày lưu thông trên các tuyến đường, nhất là tại khu vực đô thị, đã không còn xa lạ với nhiều người. Ðây là loại xe tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, bởi hầu hết chúng đều đã bị tháo hoặc mất các bộ phận an toàn cần thiết để có thể lưu thông trên đường. Mặc dù lực lượng chức năng đã ra quân kiểm tra xử lý rất nhiều, nhưng việc giải quyết triệt để tình trạng này vẫn là vấn đề nan giải.
“Cứ nghĩ có giấy phép lái xe thì chạy được thôi”, là câu trả lời khá ngây ngô của T.Q.T (sinh năm 2004, ngụ ấp Cái Nai, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn), người sử dụng xe “cà tàng” chạy vượt tốc độ, bị Ðội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công an huyện Năm Căn, phát hiện, xử lý.
Thoạt nhìn chiếc xe mà H lưu thông, ai cũng phải ngao ngán và đặt câu hỏi về mức độ an toàn khi sử dụng. Bởi xe thiếu: còi, đèn, pô, bửng, kính chiếu hậu... Theo đánh giá chung của lực lượng chức năng, người điều khiển loại xe này thường là đối tượng thanh niên mới lớn, trong độ tuổi lao động. Trong đó, có nhiều trường hợp ý thức chấp hành luật rất kém, thường thích thể hiện, chạy tốc độ khá nhanh, lạng lách, nẹt pô inh ỏi.
Ðơn cử như trường hợp L.V.L (sinh năm 2005, ngụ Khóm 3, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) sử dụng loại xe “cà tàng” giao hàng tạp hóa với tốc độ khá nhanh, lại không đội nón bảo hiểm. Khi bị lực lượng làm nhiệm vụ của Ðội CSGT-TT, Công an huyện xử lý, L không có bất cứ giấy tờ gì ngoài chiếc xe trơ cục máy và khung đã cũ sét. Lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện để xử lý.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều trường hợp chủ sở hữu các loại xe “cà tàng” như thế sẵn sàng bỏ phương tiện khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt, bởi hầu hết là xe cũ, giá rẻ.
Anh Ng.V.T, chủ cơ sở kinh doanh nước đá trên đường Tôn Ðức Thắng, Phường 5, TP Cà Mau, cho biết: “Do đặc thù công việc chuyên chở nước đá, trang bị xe mới sẽ rất tốn kém, cơ sở đã tìm mua những chiếc xe có giá thấp, rồi về sửa chữa, hàn lắp thêm các dụng cụ cần thiết để chuyên chở nước đá. Nếu như có bị bắt phạt thì cũng bỏ luôn, chứ đi tới lui đóng phạt nhiêu khê lắm”.
Ðó cũng là tâm lý chung của nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh sử dụng xe “cà tàng” để chuyên chở hàng hóa. Ngoài giá rẻ, những loại xe này vừa nhỏ gọn, vừa cơ động trong những khu vực hẹp mà các loại xe giao hàng lớn không thể tới được.
Theo lãnh đạo Ðội CSGT-TT, Công an TP Cà Mau, việc xử lý đối với những trường hợp xe loại này gặp khá nhiều khó khăn, bởi gần như không có quy định cụ thể rõ ràng về an toàn của xe mô tô, xe gắn máy. Hầu hết những loại xe “cà tàng” này đều vi phạm về thay đổi kết cấu xe hoặc thiếu bộ phận theo quy định. Nhiều chủ xe sẵn sàng bỏ xe khi bị xử lý nhiều lỗi vi phạm, vô hình trung đã tạo thêm áp lực cho những kho, bãi giữ xe vi phạm.
Xung quanh việc xử lý xe “cà tàng” có nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng cần thiết xử lý, bởi nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông của loại xe này là rất cao. Cũng có ý kiến cho rằng, những người sử dụng loại xe này thuộc lực lượng lao động có thu nhập thấp, hoặc họ chỉ là người làm thuê, việc xử lý cũng cần phải xem xét, cân nhắc thấu đáo, hợp lý, hợp tình. Tuy nhiên, không vì thế mà việc xử lý đối với xe “cà tàng” bị bỏ ngỏ. Bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm thì tuyên truyền để người dân hiểu, tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật là việc làm mang lại hiệu quả lâu dài, căn cơ và bền vững./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bat-an-vi-xe-ca-tang--a28956.html