Bắt bệnh… 'chậm'

Có người nhận xét bông đùa, nhưng không phải vô lý. Cán bộ ta đi học thì ít chịu hỏi, mà làm việc thì chuyện gì cũng chờ hỏi cấp trên. Họ ít chịu phát biểu trong cuộc họp, nhưng thích tranh luận trong bàn tiệc; lúc làm việc thì nói chuyện nhậu, trên bàn tiệc thì hay nói việc cơ quan.

“Biểu hiện lâm sàng”

Tình trạng cán bộ công chức sợ sai, không dám làm không phải khắp mọi nơi, nhưng chuyện sợ trách nhiệm, không dám làm, chờ hỏi cấp trên, khiến việc công trễ nải là có thật, không khó nhận biết. Có ba “biểu hiện lâm sàng” phổ biến là cán bộ không nắm vững chuyên môn, không dám làm; sợ trách nhiệm cá nhân, chưa làm và không có lợi ích, không muốn làm.

Cán bộ sợ sai cứ thủng thẳng làm theo lối mòn, trong khi nhu cầu đòi hỏi phải giải quyết nhanh. Họ mặc tình để công việc ùn ứ trước bức xúc của người dân. Khi tình trạng phổ biến như một căn bệnh, thì cần “chẩn đoán, kê toa” áp dụng phác đồ điều trị và dùng thuốc đúng liều để tránh lây lan.

Giám sát của HĐND thành phố Cần Thơ gần đây về việc ban hành cơ chế, chính sách thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Thành ủy cũng cho thấy “căn bệnh chậm”. Nhiều cán bộ tham mưu không xác định được nghị quyết thuộc loại cá biệt hay quy phạm pháp luật, lúng túng, chậm trễ, nợ văn bản. Kết quả là sau mấy năm, địa phương này chỉ ban hành được 1/17 nghị quyết để thực hiện. Trong đó có các nghị quyết đòi hỏi phải cụ thể hóa ngay để thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Cần Thơ.

Con số 584 văn bản mà TPHCM phải hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một năm và bộ này cũng phải phát đi hơn 600 văn bản trả lời là thí dụ không phải cá biệt của một địa phương. Nếu lấy con số trên chia cho khoảng 230 ngày làm việc trong năm, thì mỗi ngày hai cơ quan này phải hỏi đáp gần sáu văn bản. Nhiều lý do được đưa ra cho tình trạng “không thể không hỏi”, trong đó có hai nguyên nhân chính. Một là, năng lực cán bộ hạn chế, sợ trách nhiệm, nghĩ làm được thì lợi chung, sai thì cá nhân chịu. Hai là, chưa có quy định nên phải hỏi và ba là, dù đã có quy định hoặc trả lời của cấp trên rồi, nhưng chưa rõ ràng theo kiểu “thực hiện theo quy định pháp luật”, họ sợ rủi ro pháp lý, cá nhân phải gánh chịu, nên vẫn cần phải hỏi lại, chưa vội làm.

“Hội chẩn, kê toa”

Làm thế nào để khuyến khích cán bộ đảng viên mạnh dạn đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ? Kết luận 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là điểm tựa, mở đường nhưng cần được cụ thể hóa ở từng vị trí việc làm để khắc phục tình trạng hiện nay.

Cần nhiều hơn nữa quy định rõ ràng, khuyến khích mạnh mẽ cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Song, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện, chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế. Cũng cần xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tất nhiên, công việc liên quan con người sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều lĩnh vực khác. Mấu chốt của công tác cán bộ là chọn người tài, trao niềm tin, tạo động lực làm việc. Người đứng đầu bên cạnh việc luôn cấp trên giám sát, tập thể soi, cần thực quyền quyết định êkíp làm việc; đánh giá cấp dưới; quyền chọn lựa và loại thải những người giúp việc mình chứ không thể phụ thuộc tập thể dẫn đến tình trạng trách nhiệm chung chung, “trên bảo dưới không nghe” và “trên không nghe dưới phản ánh”.

Cần sử dụng các công cụ thang đo thực chất mức độ hài lòng của quần chúng, dân chúng đối với chất lượng hoạt động, kết quả công việc của cán bộ. Đó chính là công cụ đắc lực để giám sát, nâng cao năng lực cán bộ công chức, viên chức, kiểm soát quyền lực, kiềm chế lạm dụng quyền lực, góp phần phòng ngừa, chống tham nhũng và trị “căn bệnh chậm” của cán bộ hiện nay.

Trần Hữu Hiệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bat-benh-cham/