Bất bình đẳng vaccine khiến thế giới khó thoát khỏi đại dịch Covid-19
Số người tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã chính thức vượt mốc 5 triệu người chỉ sau chưa đầy 2 năm. Câu chuyện về 'bình đẳng vaccine' một lần nữa được đặt ra khi tỷ lệ bao phủ vaccine không đồng đều giữa các quốc gia và thậm chí nhiều nước có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gọi đây là một cột mốc tàn khốc, là lời nhắc nhở rằng chúng ta có nguy cơ thất bại nếu người dân trên khắp thế giới không được tiếp cận kịp thời và công bằng với vaccine.
“Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã gọi đây là một nỗi xấu hổ toàn cầu khi các nước giàu có đang triển khai liều thứ ba của vaccine ngừa Covid-19, chỉ có khoảng 5% người dân ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Con số 5 triệu người chết cũng là một lời cảnh báo rõ ràng rằng chúng ta không thể lơ là cảnh giác. Chúng ta vẫn đang chứng kiến nhiều ca tử vong hơn, các bệnh viện quá tải và nhân viên y tế kiệt sức. Các biến thể mới vẫn có nguy cơ lan rộng và cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn”, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Florencia Soto Nino-Martinez cho biết.
Vaccine cho phép người dân đạt được miễn dịch nhân tạo, hoàn thành quá trình miễn dịch chỉ trong 18 tháng thay vì từ 3-5 năm, giảm số người tử vong. Theo các chuyên gia y tế công cộng, những giai đoạn dịch bệnh tiếp theo sẽ có sự khác biệt giữa các nước, tùy thuộc vào tỷ lệ tiêm chủng ở mỗi quốc gia, cũng như mức độ hiệu quả của loại vaccine được sử dụng. Mục tiêu hiện nay không còn là xóa sổ virus mà là tránh để người mắc bệnh diễn tiến nặng và tăng cường cơ hội tiếp cận vaccine bình đẳng.
Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Số trường hợp được báo cáo và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu hiện đang tăng lần đầu tiên sau hai tháng, do sự gia tăng đang diễn ra ở châu Âu cao hơn sự sụt giảm ở các khu vực khác. Đó là một lời nhắc nhở khác rằng đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc. Đại dịch vẫn tồn tại và một trong những khuyên chính là do tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận các công cụ vẫn còn.”
Một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới có khả năng kháng vaccine. Khi biến chủng siêu lây nhiễm Delta xuất hiện, các biến chủng phổ biến trước đây như Alpha biến mất, các biến chủng mới như Mu hay Lambda không thể lan rộng. Các chuyên gia cảnh báo bản thân biến chủng Delta có thể tiếp tục đột biến, với những đặc tính nguy hiểm hơn như kháng vaccine.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan y tế Anh đang giám sát và nghiên cứu biến thể AY.4.2, một nhánh phụ của biến chủng Delta. Tuy nhiên ở giai đoạn này, chưa có bằng chứng cho thấy AY.4.2 có khả năng làm cho vaccine kém hiệu quả hơn. Theo các nhà khoa học, điều quan trọng là phải tiếp tục giám sát bộ gen, để từ đó phát hiện sớm sự xuất hiện của các biến thể và biết liệu chúng có nguy hiểm hơn, có khả năng lây truyền cao hơn hay liệu khả năng miễn dịch có hoạt động hay không?./.