Bất cập chính sách thuế trong đóng góp khắc phục thiên tai

Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Bắc. Vấn đề đóng góp ủng hộ khắc phục hậu quả cơn bão không chỉ nổi lên với câu chuyện 'sao kê' mà còn ở các hồ sơ để người nộp thuế có thể thuận lợi ghi nhận các khoản đóng góp vào chi phí hay giảm trừ khi tính thuế.

(KTSG) – Cơn bão số 3 (Yagi) đi qua để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Bắc. Vấn đề đóng góp ủng hộ khắc phục hậu quả cơn bão không chỉ nổi lên với câu chuyện “sao kê” mà còn ở các hồ sơ để người nộp thuế có thể thuận lợi ghi nhận các khoản đóng góp vào chi phí hay giảm trừ khi tính thuế.

1. Phải có biên bản xác nhận của đơn vị nhận tài trợ

Để khoản chi tài trợ cho việc khắc phục hậu quả thiên tai của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, tiết b điểm 2.24 khoản 2 điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung) quy định hồ sơ phải có “Biên bản xác nhận khoản tài trợ” có chữ ký của đại diện tổ chức bị thiệt hại do thiên tai (hoặc cơ quan, tổ chức có chức năng huy động tài trợ) là đơn vị nhận tài trợ.

Sẽ không khó khăn để có được chữ ký của bên nhận tài trợ nếu hai bên đã thỏa thuận tài trợ theo các chương trình đơn lẻ, trải đều trong năm. Tuy nhiên, đặc thù của hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai là theo từng đợt phát sinh thiên tai, diễn ra trong thời gian ngắn, có số lượng người và số tiền ủng hộ cao đột biến. Thêm vào đó, việc ủng hộ thường tập trung vào tài khoản của các cơ quan trung ương, nhất là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Với tính chất như vậy, rất khó cho cả hai bên có thể ký kết biên bản xác nhận.

Bên cạnh đó, giấy báo “Có” hoặc sao kê tài khoản của đơn vị nhận tài trợ thường không có thông tin định danh chính xác người chuyển tiền đến (như mã số thuế, số căn cước công dân). Nếu phải đối chiếu mã giao dịch giữa các chứng từ để định danh người chuyển thì rất tốn thời gian. Vì vậy, các tổ chức, cơ quan hầu như không thể lập biên bản xác nhận cho các doanh nghiệp.

Cần có sự điều chỉnh chính sách thuế để phù hợp hơn với thực tế các hoạt động đóng góp và tài trợ khắc phục thiên tai. Việc đơn giản hóa hồ sơ và áp dụng các chính sách thuế hợp lý không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế mà còn khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động cứu trợ…

Những khó khăn trên khiến doanh nghiệp gặp trở ngại trong thu thập đủ hồ sơ tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều doanh nghiệp đã phải ngậm ngùi loại trừ khoản chi thực tế và ý nghĩa này khỏi chi phí được trừ.

Theo đó, thiết nghĩ Bộ Tài chính cần có quy định hợp lý hơn về hồ sơ theo hướng để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Cụ thể, cho mục đích xác định đơn vị nhận tài trợ đã nhận được tiền, doanh nghiệp có thể sử dụng chứng từ báo “Có” của người hưởng có chứa thông tin người chuyển. Trường hợp đơn vị nhận tiền có công khai sao kê tài khoản (như MTTQVN vừa qua), doanh nghiệp có thể kết hợp mã giao dịch trên sao kê và chứng từ báo “Nợ” của mình để xác định tiền đã được tiếp nhận.

Cá nhân người viết nhận thấy hồ sơ tài trợ nên được đơn giản hóa đến mức chỉ cần chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của bên tài trợ. Điều này tương đương với quy định chung về điều kiện chi phí được trừ đối với khoản chi trên 20 triệu đồng. Đồng thời, giả sử như lệnh chuyển tiền của doanh nghiệp không thành công, tiền sẽ được hoàn lại cho tài khoản người chuyển(1). Cơ quan thuế có thể kiểm tra xác nhận tiền đã được chuyển thông qua sao kê tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.

2. Phải có chứng từ thu hợp pháp

Pháp luật thuế thu nhập cá nhân cho phép giảm trừ thu nhập chịu thuế đối với khoản chi đóng góp từ thiện, nhân đạo của các cá nhân. Theo quy định tại điểm a khoản 3 điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, tài liệu chứng minh khoản đóng góp phải là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của trung ương hoặc của tỉnh cấp.

Theo quy định về kế toán doanh nghiệp hiện hành(2), khi xuất/nhập quỹ tiền mặt thì phải lập phiếu chi/phiếu thu. Đối với hạch toán tiền gửi ngân hàng, doanh nghiệp chỉ cần căn cứ vào các giấy báo Có, báo Nợ hoặc bản sao kê của ngân hàng kèm theo các chứng từ gốc. Điều này có nghĩa là khi nhận tiền đến tài khoản, đơn vị nhận tài trợ không phải lập chứng từ thu. Do đó, cá nhân đóng góp thường chỉ nhận được biên nhận, giấy xác nhận về khoản đóng góp từ các đơn vị nhận tài trợ thay vì chứng từ thu hợp pháp (chứng từ kế toán theo quy định, phản ánh nghiệp vụ thu).

Một vấn đề khác là một số tổ chức, doanh nghiệp vận động cá nhân đóng góp theo đơn vị (thường là trích từ tiền lương), sau đó đơn vị chuyển một số tiền tổng cho bên nhận tài trợ. Với cách thức này, bên nhận tài trợ cũng không thể lập biên nhận cho từng cá nhân.

Số lượng cá nhân ủng hộ tiền cho từng đợt hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cũng rất lớn, đơn cử như đợt hỗ trợ sau bão số 3 vừa qua. Việc đòi hỏi cá nhân phải có chứng từ thu của một tổ chức trung ương tiếp nhận đóng góp lớn như MTTQVN là không phù hợp với thực tế.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế từng có hướng dẫn(3) cho một doanh nghiệp sử dụng “Giấy báo có” của ngân hàng mở tài khoản cho Ủy ban MTTQVN để làm căn cứ giảm trừ thu nhập chịu thuế cho người lao động. Chỉ tiếc rằng đây mới chỉ là một công văn làm rõ cho một trường hợp cụ thể, chưa thể khẳng định có thể áp dụng được cho mọi người nộp thuế.

Do đó, Bộ Tài chính nên sớm nghiên cứu điều chỉnh quy định này tại Thông tư 111/2013/TT-BTC để phù hợp hơn với thực tế đóng góp, ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai hiện nay (chủ yếu qua chuyển khoản ngân hàng). Tài liệu chứng minh khoản đóng góp nên đơn giản hóa như hồ sơ áp dụng cho doanh nghiệp đã nêu trên.

3. Thiệt đơn, thiệt kép thuế giá trị gia tăng tài trợ hiện vật

Hoạt động đóng góp khắc phục hậu quả thiên tai không chỉ bằng tiền mà còn có vai trò quan trọng của hiện vật, ví dụ như thực phẩm, thuốc men, vật tư, cây giống, con giống…

Tuy nhiên, việc tài trợ bằng hiện vật hiện nay đang khiến doanh nghiệp chịu thiệt về thuế giá trị gia tăng – GTGT (ở cả hai đầu: đầu vào và đầu ra). Cụ thể, do hiện vật tài trợ là hàng hóa biếu tặng, doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT đầu ra. Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính(4), khoản chi ủng hộ các chương trình an sinh xã hội không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Lấy ví dụ một doanh nghiệp chi 1,1 tỉ đồng mua hàng hóa cứu trợ (1 tỉ đồng giá trị hàng hóa và 0,1 tỉ đồng thuế GTGT đầu vào). Khi mua về, doanh nghiệp phải tính vào chi phí thuế GTGT đầu vào 0,1 tỉ đồng (do không được khấu trừ). Đến khi tài trợ, doanh nghiệp lại tiếp tục phải đóng 0,1 tỉ đồng tiền thuế GTGT đầu ra và tính vào chi phí. Như vậy, doanh nghiệp phải bỏ ra đến 1,2 tỉ đồng cho hàng hóa giá trị chỉ 1 tỉ đồng, phát sinh thêm 20% chi phí. Đáng nói nữa là tiền thuế GTGT đầu ra lại không được tính vào chi phí được trừ(5).

So sánh với cùng một giá trị hàng hóa 1 tỉ đồng mua vào như vậy để bán ra kinh doanh thông thường, doanh nghiệp vừa được khấu trừ thuế GTGT đầu vào 0,1 tỉ đồng, vừa có thuế GTGT đầu ra do khách hàng chịu (tính trong giá bán cho khách hàng). Như vậy, doanh nghiệp chỉ ghi vào giá vốn đúng 1 tỉ đồng.

Việc chịu thiệt kép như vậy khiến doanh nghiệp giảm động lực tham gia cứu trợ, đặc biệt là cứu trợ bằng hiện vật. Trong khi đó, đây là cách huy động nguồn lực vật chất nhanh để khắc phục thiên tai, không cần thực hiện quy trình đấu thầu phức tạp.

Với các bất cập nêu trên, Bộ Tài chính nên xem xét áp dụng chính sách thuế GTGT đối với hàng hóa tài trợ phù hợp với Nghị định 93/2021/NĐ-CP và pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp giống như với hàng hóa thực hiện khuyến mại theo đúng quy định thương mại hiện tại. Tức là, cho phép khấu trừ thuế GTGT đầu vào và áp dụng giá tính thuế bằng 0 để tính thuế GTGT đầu ra. Tin chắc rằng với các quy định chặt chẽ về đóng góp, tài trợ vừa nêu, rủi ro liên quan đến gian lận thuế GTGT ở đây là thấp và có thể được phát hiện qua thanh, kiểm tra.

Kết lại, từ những bất cập nêu trên, rõ ràng cần có sự điều chỉnh chính sách thuế để phù hợp hơn với thực tế các hoạt động đóng góp và tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Việc đơn giản hóa hồ sơ và áp dụng các chính sách thuế hợp lý không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế mà còn khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn vào các hoạt động cứu trợ, góp phần hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

(1) Theo điểm b khoản 3 điều 8 Thông tư số 15/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước
(2) Hướng dẫn hạch toán tài khoản 111 và 112 tại Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính
(3) Công văn 3569/TCT-DNNCN ngày 28-8-2020 của Tổng cục Thuế
(4) Công văn 15272/BTC-CST ngày 11-12-2020 của Bộ Tài chính trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa
(5) Theo điểm l khoản 2 điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được làm rõ bởi Công văn 447/TCT-CS ngày 16-2-2023 của Tổng cục Thuế

Thái Mạnh Cường

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bat-cap-chinh-sach-thue-trong-dong-gop-khac-phuc-thien-tai/