Bất cập chuyện cấp phép bóng đá chuyên nghiệp tại V.League
Ban Cấp phép của VFF vừa có sự nhắc nhở đối với HAGL, khi đội bóng này chưa đáp ứng một tiêu chí cấp phép nhân lực hành chính hạng B, cụ thể ở vị trí HLV thể lực. Tuy nhiên một vấn đề là hầu hết các đội bóng tại V.League đều không đảm bảo tiêu chí này, chứ không phải duy chỉ HAGL.
Phản ứng của HAGL
Cuộc họp Ban Cấp phép Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lần thứ 2 năm 2022 đã diễn ra tại trụ sở VFF vào chiều 6/10. Tại cuộc họp, bộ phận hành chính cấp phép đã báo cáo Ban Cấp phép về việc thực hiện công tác cấp phép của các câu lạc bộ và tóm tắt các nội dung liên quan tại Hội thảo Cấp phép thường niên AFC.
Đối với tiêu chí nhân lực hành chính, một số câu lạc bộ chưa đáp ứng được đầy đủ nhân sự theo quy định, đặc biệt là khi AFC nâng cấp tiêu chuẩn cấp phép từ tiêu chí khuyến khích hạng C lên tiêu chí bắt buộc hạng B. Trong đó có trường hợp của HAGL. Đội bóng này vẫn được cấp phép nhưng kèm biện pháp phạt. Trước thông tin này, HAGL đã ngay lập tức phản pháo. Đội bóng này có công văn gửi VFF vào ngày 12/10.
Nội dung văn bản viết: "Trước đó, qua các phương tiện truyền thông, chúng tôi đã nhận được quyết định đề nghị cảnh cáo của VFF. Là một thành viên tích cực của VFF trong suốt hơn 20 năm qua với nhiều đóng góp trong từng giai đoạn thăng trầm của bóng đá Việt Nam, việc CLB HAGL thiếu tiêu chí bằng cấp HLV thể lực đội 1 có xứng đáng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo hay không?
Trong hai năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chính phủ, các ban, ngành và nhân dân cả nước tập trung ưu tiên chống dịch cứu người. Năm 2022, khi đại dịch đã từng bước khống chế, bóng đá Việt Nam đã trở lại, các CLB chuyên nghiệp tuân thủ tốt trong quá trình tham gia các giải đấu từ các cấp độ trẻ đến chuyên nghiệp, trong đó đóng góp các tuyển thủ cho các đội tuyển quốc gia tham gia các giải đấu quốc tế...
Trong điều kiện dịch bệnh, việc các CLB vẫn còn thiếu một số tiêu chí trong cấp phép do những điều kiện khách quan hoặc một lý do bất khả kháng cần có thời gian để hoàn thiện (những tiêu chí này không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển CLB như thiếu hụt tài chính, nợ lương HLV, cầu thủ; nợ thuế Nhà nước; nợ tiền khách sạn, nhà hàng vì không có khả năng chi trả....).
Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo các CLB luôn nỗ lực cao nhất trong khả năng có thể để xây dựng đội bóng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, từ đó thu hút sự quan tâm của người hâm mộ, các nhà tài trợ. Có thể nói, đó phải là điều đáng được VFF ghi nhận nhất dành cho những doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá.
Hằng năm, các doanh nghiệp đầu tư từ 60 - 70 tỉ đồng, thậm chí hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ vì thiếu một tiêu chí, VFF đã vội vàng ra quyết định cảnh cáo các CLB và thông báo lên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín và hình ảnh của các CLB, ảnh hưởng trực tiếp đến việc kêu gọi các nhà tài trợ và thu hút người hâm mộ ủng hộ đội bóng".
Bất cập chuyện cấp phép
HAGL cho biết Ban Cấp phép VFF cũng không có bất kỳ cuộc trao đổi nào với lãnh đạo các CLB để tìm cách hỗ trợ tháo gỡ, khắc phục thiếu sót trên trước khi đưa ra quyết định kỷ luật. Vì vậy, đoạn cuối của văn bản do lãnh đạo CLB Hoàng Anh Gia Lai gửi lên VFF nhấn mạnh: "Việc ra quyết định như vậy có hợp lý hợp tình? Có đúng với phương châm của VFF là "Ngôi nhà chung của bóng đá Việt Nam", "Vì bóng đá Việt Nam"? Bằng công văn này, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến chính thức của lãnh đạo VFF và Quyền Chủ tịch VFF".
Thực tế theo tìm hiểu của giới chuyên môn thì có một vấn đề đáng nói ở V.League nói riêng và các CLB Việt Nam nói chung hiện tại. Đó là không có CLB nào ở Việt Nam sở hữu vị trí HLV thể lực một cách đúng nghĩa. “Nói thế là vì, để thỏa mãn điều kiện đăng kí chức danh HLV Thể lực, nhấn mạnh là “đăng kí”, cá nhân đó cần sở hữu tối thiểu Chứng chỉ HLV Thể lực Cấp độ 1 cấp bởi AFC”, Hoàng Bách, cựu trợ lý ngôn ngữ của HLV Philippe Troussier tại U19 Việt Nam chia sẻ trên facebook của mình. Anh phân tích: “Trong khi đó, hầu hết nhân sự được CLB chỉ định thực hiện nhiệm vụ thể lực hiện nay rơi vào 3 nhóm như sau.
Một, nhân sự nước ngoài có chuyên môn chuyên biệt về huấn luyện thể lực, được đào tạo bài bản chuyên sâu về mảng việc chuyên môn. Nhóm này thường sở hữu chứng chỉ quốc tế do tổ chức bóng đá hoặc đại học chuyên ngành thể dục thể thao cấp, nhưng chưa được công nhận tại Việt Nam bởi AFC chưa giới thiệu cơ chế quy đổi tương đương sang hệ thống châu Á đối với riêng nhóm chức danh HLV thể lực.
Hai, nhân sự Việt Nam có thể không có, hoặc có ở mức sơ-trung cấp, kiến thức về huấn luyện thể lực, thường thông qua on-the-job learning và chỉ đóng vai trò thực thi thị phạm ý đồ tập luyện thể lực trên sân của HLV chuyên môn. Nhóm này thường không sở hữu chứng chỉ chính quy nào thuộc nhóm được AFC và VFF công nhận, chủ yếu đến từ quy trình và quá trình học và lấy chứng chỉ không dễ (và nhanh) sẽ được đề cập ở phần tiếp theo.
Ba, nhân sự Việt Nam có sở hữu kiến thức trung-cao cấp về huấn luyện thể lực, chủ yếu thông qua các lớp đào tạo HLV chính quy do AFC và VFF phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, một trong những điều kiện để được phép tham dự lớp đào tạo HLV Thể lực, đó là phải sở hữu tối thiểu Chứng chỉ HLV Bóng đá cấp độ “B”, vốn nếu diễn ra thuận lợi và tuân thủ đúng nguyên tắc, cần tổng cộng 3-4 năm để đạt được. Chưa kể, để thu thập trọn bộ chứng chỉ HLV thể lực AFC gồm 2 cấp độ và 4 module, 1A-1B-2A-2B cũng không hề dễ dàng, bởi sự phụ thuộc gần như toàn bộ vào giảng viên nước ngoài theo giới thiệu và bố trí của AFC”.