Bất cập khu tái định cư tại Nghệ An – Bài 2: Chỗ có không cần, nơi cần không có
Nghịch lý các dự án tái định cư 'chỗ có không cần, nơi cần không có' đang gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên tại tỉnh Nghệ An.
Khu tái định cư tiền tỷ thành nơi chăn bò
Khu tái định cư xã Quỳnh Trang (Tx. Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) được xây dựng từ năm 2010, với tổng trị giá đầu tư trên 6 tỷ đồng. Mục đích là bố trí chỗ ở cho 66 hộ dân ở vùng ven sông Hoàng Mai thường bị ngập lụt do hồ Vực Mấu xả lũ.
Dự án được triển khai trên diện tích rộng hơn 4ha tại địa bàn xóm 4, xã Quỳnh Trang. Ngoài được bố trí từ 300 - 400m2 đất để làm nhà, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng để di dời đến nơi ở mới.
Mặc dù khu tái định cư đã hoàn thành nhưng đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, nơi đây vẫn không có ai đến sinh sống. Cũng vì vậy, hệ thống hạ tầng khu tái định cư đã xuống cấp, như kênh thoát nước một số đoạn bị sập gãy.
Nhiều vị trí cỏ và cây dại mọc. Nơi đây trở thành khu vực chăn thả trâu bò. Thậm chí, một số diện tích của khu tái định cư được người dân tận dụng để sản xuất thùng nhựa.
Điều đáng nói, năm nào vào mưa lũ, chỗ người dân đang ở cũng phải chịu cảnh ngập úng, nhiều hộ phải cơi nới, nâng nền nhà cao hơn. Mặc dù vậy, họ vẫn không chịu di dời đến khu tái định cư đã được xây dựng.
Ông Phạm Văn Kế, trú ở xóm 5, xã Quỳnh Trang là một hộ dân thuộc diện di dời tái định cư giải thích, nguyên nhân người dân không đến nơi ở tái định cư mới là do ở đó hạ tầng chưa đồng bộ.
"Nước sinh hoạt chưa có, khu vực sát với đồi núi nên khoan nước rất khó khăn. Chưa kể nơi ở mới diện tích đất chật, không có đất để chăn nuôi, làm vườn. Người dân phải bỏ ra khoản chi phí lớn xây dựng nhà mới trong khi tiền hỗ trợ di dời thấp", ông Kế nói.
Ông Lê Đăng Thăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang, cho biết, địa phương nhiều lần tổ chức lấy ý kiến vận động người dân bị ảnh hưởng ngập lụt sông Hoàng Mai di dời về khu tái định cư nhưng không ai lên.
"Do để lâu cũng phí nên địa phương đã kiến nghị với cấp trên có thể cho đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc cho xã quản lý. Hiện, xã đang quản lý về mặt hành chính, không cho các hộ dân sinh sống xung quanh cơi nới, lấn chiếm vào đất thuộc khu tái định cư", ông Thăng nói.
Về việc này, ông Hoàng Ngọc Thủy, Trưởng phòng Kinh tế Tx. Hoàng Mai cho biết, người dân nêu nhiều lý do không di dời đến khu tái định cư, bởi thế chính quyền địa phương cũng không còn cách nào khác.
Còn khu tái định cư xã Quỳnh Trang lâu nay đang bỏ không. Vì vậy sắp tới UBND Tx. Hoàng Mai sẽ trình xin ý kiến của ngành liên quan xin được chuyển đổi để tránh tình trạng đất bị lãng phí.
Dân vạn chài "dài cổ" chờ tái định cư
Cũng giống như các hộ dân ở vùng ven sông Hoàng Mai, nhiều người sống ven sông Lam hàng chục năm nay đều đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu khi mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Có năm, người dân chưa khắc phục được hậu quả thì nước lũ lại ập về, nước dâng cao hơn, khiến cuộc sống của người dân càng thêm khốn khổ.
Nhằm giúp bà con vạn chài lênh đênh trên sông Lam có cuộc sống ổn định, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án khu tái định cư do Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Nghệ An làm chủ đầu tư.
Dự án được phê duyệt từ năm 2009, với tổng mức đầu tư 74 tỷ đồng. Sau khi điều chỉnh quy hoạch lần hai, vốn đầu tư dự án được nâng lên hơn 84 tỷ đồng (từ nguồn vốn Trung ương cấp và vốn đối ứng của tỉnh Nghệ An). Công ty cổ phần Đại Cát Thành (trụ sở tại Hà Nội) là đơn vị trúng thầu xây dựng dự án.
Dự kiến sau khi dự án hoàn thành, 165 hộ dân vạn chài trên sông Lam ở huyện Thanh Chương sẽ được di chuyển đến ở ổn định tại 2 điểm tái định cư là Khe Mừ (xã Thanh Thủy) và Triều Dương (xã Thanh Lâm).
Ngày 7/5/2010, dự án khu tái định cư làng chài được khởi công. Đến nay, điểm tái định cư Triều Dương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015, bố trí nơi ở cho 45 hộ dân. Còn điểm tái định cư Khe Mừ dự kiến bố trí cho 120 hộ dân đang sống rải rác dọc sông vẫn chưa thể sử dụng.
Ông Nguyễn Viết Minh, trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương cho biết: "Vợ chồng tôi giờ tuổi đã cao, không chài lưới trên sông được nên cuộc sống càng khó khăn. Nghe nói về dự án tái định cư nên hai vợ chồng mừng lắm. Thế mà đến giờ vẫn chưa được vào ở".
Gia đình bà Nguyễn Thị Hà có 3 con trai, trong đó 2 người đã lập gia đình. Nhiều năm qua, mấy mẹ con, bà cháu phải sống ở căn nhà dựng tạm dọc bờ sông. Bà Hà đã đăng ký để vào khu tái định cư và đã được chính quyền phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa biết khi nào được nhận đất để làm nhà.
"Trước chính quyền địa phương đã tổ chức cho người dân đến khu tái định cư Khe Mừ tham quan. Người dân thấy đất khá rộng, đường nhựa vào tận nơi, nhưng chờ mãi vẫn không thấy thông báo vào ở", bà Hà nói.
Điều đáng nói, do thời gian thực hiện dự án quá lâu nên đã có biến đổi số hộ có nhu cầu đến khu tái định cư. Trong đó có khá nhiều hộ dân thuộc diện di dời đến nơi tái định cư đã tự di dời tại chỗ hoặc mua đất làm nhà nơi khác, không còn có nhu cầu đến khu tái định cư Khe Mừ. Theo rà soát của huyện Thanh Chương, đến nay có 46/120 hộ dân đã tự di dời tại chỗ hoặc mua đất làm nhà.
Thông tin từ Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Nghệ An (chủ đầu tư), dự án khu tái định Khe Mừ đã thi công xong các hạng mục hạ tầng theo thiết kế phê duyệt và được các sở, ngành chấp thuận nghiệm thu để bàn giao cho địa phương từ năm 2023.
Về việc này, ông Nguyễn Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương lý giải, mặc dù chủ đầu tư thông báo dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng. Tuy nhiên, thực chất đất sản xuất vẫn chưa được chia cho người dân, nên huyện chưa dám nhận bàn giao vì sợ "mang con bỏ chợ".
Cụ thể, hiện nay, để giao được đất cho các hộ dân tái định cư phải thực hiện các bước: Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất cho mỗi hộ tái định cư được sử dụng bao nhiêu diện tích đất ở và đất sản xuất.
Ngoài ra, do dự án được phê duyệt từ năm 2009 nên một số hạng mục cần được bổ sung để phù hợp với các quy định hiện hành. Phía huyện Thanh Chương cũng đang đề nghị chủ đầu tư bổ sung thêm các hạng mục cổng, hàng rào, hạ tầng kỹ thuật (lối vào, sân, rãnh thu nước...) cũng như hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Thiên tai trong năm 2023 tại tỉnh Nghệ An đã làm 3 người chết, 5 người bị thương; 39 nhà bị sập; 793 nhà tốc mái, hư hỏng; 15 nhà bị di dời khẩn cấp; gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp và các công trình hạ tầng…; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 667 tỷ đồng.
Bất cập khu tái định cư vùng thiên tai – Bài 3: Quyết liệt gỡ nút thắt để dân "an cư lạc nghiệp"