Bất cập nhiều năm ở cảng biển quốc tế Cửa Lò
Những năm qua, Nghệ An đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng bến neo đậu riêng cho tàu cá của ngư dân địa phương ở khu vực cảng Cửa Lò. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, khai thác các cảng cá đã nảy sinh nhiều bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng, tàu thuyền ra vào, neo đậu khó khăn.
Cảng quốc tế Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã được quy hoạch thành cảng đầu mối quốc gia loại I ở khu vực Bắc Trung bộ có chức năng đón nhận, bốc xếp hàng hóa cho các tàu vận tải biển lớn trong nước và khu vực vào neo đậu. Tuy nhiên, nhiều năm nay tình trạng tàu cá của ngư dân neo đậu trong khu vực cầu cảng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của tàu hàng nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Đại diện Tổng công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh cho hay, năm 2015 tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 Cảng Cửa Lò tại phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò chia thành 2 giai đoạn với tổng nguồn vốn 1.180 tỷ, quy mô diện tích 23,4 ha.
Theo đó, bến số 5, số 6 Cảng Cửa Lò được thiết kế để cùng một lúc 2 tàu có trọng tải 3 vạn tấn có thể ra, vào cập cảng. Dự án này đến nay đã được nhà đầu tư hoàn thiện, đưa vào vận hành. Riêng khu vực hậu cần của bến đã có bãi hàng hóa 9,5ha, bãi container rộng 1,1ha, sức nâng dưới móc 50 tấn, tầm với tối đa 36m, chiều cao nâng tối đa 30m, tốc độ nâng/hạ tải 40 tấn là 50 m/phút cũng đã đi vào hoạt động.
Trao đổi với PV. Báo Công Thương, ông Trần Văn Đạt - Giám đốc Cảng Cửa Lò - cho hay, tình trạng tàu cá “chiếm” chỗ tàu hàng thì lâu nay đã thế rồi, tình trạng này không giảm mà ngày càng gia tăng. Nguyên nhân được ông Đạt cho biết, “do bên cảng cá lâu nay vẫn chưa có ngân sách đầu tư nạo vét cảng Nghi Tân (Cửa Lò). Khiến hàng trăm con tàu đánh bắt xa bờ từ 3 - 4m không thể vào đậu được ở cảng cá, nên họ vô tư vào đậu ở trong cảng của tàu hàng.”
Được biết, cầu cảng số 4 nằm ngay rìa trái luồng vào cảng, vì thế, việc có nhiều tàu thuyền đánh cá thường xuyên neo đậu, ra vào ở khu vực này. Không chỉ tàu thuyền của Nghi Tân, Nghi Thủy mà hiện còn có cả tàu của ngư dân Diễn Châu cũng neo đậu tại cảng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hàng hải. Trên thực tế đã xảy ra sự cố đâm va giữa tàu biển và tàu cá tại cảng, gây hỏa hoạn ở các tàu, thuyền cá khi chiếm dụng cầu tàu số 4. Khá nhiều vụ việc xung đột, va chạm giữa tàu biển và tàu cá diễn ra thường xuyên làm cho các hãng vận tải rất e ngại đến cảng Cửa Lò. Việc tàu thuyền neo đậu trái phép ở cầu cảng số 4 số 5 làm cho việc khai thác, vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất an toàn cao cho các tàu biển chở hàng ra vào cảng.
Việc tàu cá của ngư dân địa phương luôn neo đậu “trà trộn” vào khu vực Cảng Cửa Lò dễ xảy ra va chạm với tàu vận tải, phát sinh nhiều hệ lụy đã trở thành điểm nghẽn cho năng lực khai thác công suất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy nhưng, do hệ thống luồng lạch chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời nên nhiều tàu vận tải lớn trên 20.000 tấn muốn vào cập Cảng Cửa Lò luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ.
“Tình trạng này đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm… Để phát huy công suất khai thác, thời gian tới rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư nạo vét hệ thống luồng lạch. Đặc biệt, cần sớm đưa tàu cá ngư dân vào khu vực neo đậu riêng để tránh va chạm với tàu chở hàng”, ông Đạt cho hay.
Về phía chính quyền tỉnh Nghệ An, khá nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho Cảng Cửa Lò. Vào năm 2012, tỉnh Nghệ An đã tiến hành đầu tư xây dựng bến cá riêng về phía thượng lưu luồng vào Cảng Cửa Lò. Theo đó, bến cá Nghi Tân được đầu tư với mục tiêu di dời tàu cá ngư dân lấn chiếm cầu Cảng Cửa Lò, đảm bảo cho 300 tàu thuyền đánh bắt hải sản neo đậu cho tàu cá số 1, số 2, khu nước và hạng mục bến neo đậu cho tàu cá. Tuy vậy, việc thiết kế cầu đã bộc lộ những bất cập, cầu tàu hiện tại rộng 3,5m là quá hẹp, không phù hợp với thực tế vận chuyển và bốc dỡ cá, hàng hóa lên xuống tàu.
Tuy nhiên do khó khăn nguồn vốn, mãi đến năm 2018 dự án này mới tiếp tục được khởi động trở lại bằng việc phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự án: Xây dựng kè chống sạt lở bờ Hữu sông Nam Cấm và nơi neo đậu tàu, thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng.
Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, mặc dù các hạng mục bến cảng dành riêng cho khu vực neo đậu của tàu cá ngư dân đã hoàn thiện nhưng tình trạng tàu cá của ngư dân vẫn ngang nhiên lấn chiếm khu vực vào, ra của tàu vận tải biển.
Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, ngư dân địa phương - N.V.N cho hay, khu vực neo đậu dành riêng cho ngư dân địa phương là có, nhưng tàu đánh cá công suất lớn không thể vào được vì luồng lạch từ khu vực cửa biển ngược lên hướng Lạch Lò hơn 1km quá cạn tàu to không thể vào được nên bà con đành ‘neo nhờ’.
Trước tình trạng đã tồn tại nhiều năm qua, ông Doãn Văn Lâm, Trưởng Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng thị xã Cửa Lò cho biết, vấn đề luồng lạch để tàu thuyền của ngư dân vào khu vực âu thuyền ở bến cảng cá riêng gặp khó là có thật.
“Khi xây dựng bến cảng riêng để giảm áp lực cho cảng Cửa Lò chỉ thiết kế cho tàu dưới 500CV, nhưng nay do bà con đóng tàu lớn nên không thể vào bến mới. Nên bà con lại vào bến tàu hàng đậu nhờ. Thêm một nguyên nhân nữa là do ngư dân tiện vào Cảng Cửa Lò để về nhà ở Nghi Thủy cho gần chứ không vào cảng mới ở Nghi Tân. Vừa qua, thị xã cũng đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải Nghệ An để kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan sớm có dự án nạo vét luồng lạch để tàu có công suất lớn có thể vào được bến neo đậu tàu thuyền mới được xây dựng tại phường Nghi Tân", ông Doãn Văn Lâm cho biết thêm.
Hoàng Trinh
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bat-cap-nhieu-nam-o-cang-bien-quoc-te-cua-lo-173648.html