Bất cập ở làng nghề đá Non Nước

Cảnh bụi mù mịt, đường sá hư hỏng, nước thải lênh láng... là những bất cập đang xảy ra tại làng đá mỹ nghệ Non Nước

Được quy hoạch và đi vào hoạt động từ năm 2011, làng đá mỹ nghệ Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) hiện vẫn chưa đủ diện tích để bố trí cho các hộ sản xuất đá thủ công mỹ nghệ tại quận này. Chủ trương của quận là sẽ di dời làng nghề nhưng vẫn bố trí để lại khu sản xuất và khu trưng bày dành cho khách tham quan.

Quy hoạch lệch với thực tiễn

Làng đá mỹ nghệ Non Nước là làng nghề truyền thống của TP Đà Nẵng. Trước đây, làng nghề vốn nằm rải rác trong các khu dân cư, tập trung chủ yếu ở chân núi Ngũ Hành Sơn. Hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến các hộ dân ở địa phương. Từ năm 2011, thành phố quy hoạch một khu chung để bố trí các hộ sản xuất vào tập trung với diện tích 31 ha ở phường Hòa Hải. Tuy nhiên, khu sản xuất của làng nghề cũng nảy sinh nhiều bất cập.

Đứng bên ngoài nhìn vào cổng chính của làng đá mỹ nghệ Non Nước đã chứng kiến cảnh bụi đá mù mịt, trắng xóa. Mỗi khi có xe chạy ra vào thì những vệt bụi còn tung lên dày đặc. Ở bên trong khu sản xuất là tiếng đục đẽo, mài đá đinh tai nhức óc. Cây xanh trồng ở đây phủ bụi trắng xóa từ thân đến lá, đường sá cũng phủ màu bụi đá.

Hoạt động sản xuất ở làng đá mỹ nghệ Non Nước gây bụi và tiếng ồn

Hoạt động sản xuất ở làng đá mỹ nghệ Non Nước gây bụi và tiếng ồn

Ông Nguyễn Văn Nho, chủ xưởng sản xuất Văn Nho, cho biết làng nghề được phân lô với diện tích chiều ngang 5 m, chiều dài khoảng 25 m. Vì diện tích quá nhỏ, không phù hợp với công việc sản xuất nên nhiều hộ phải để sản phẩm tràn ra vỉa hè. Hệ thống thoát nước của làng nghề cũng không đủ tải khiến nước đổ lênh láng ở mặt đường. Ông Nho cũng cho hay do số lô đất trong làng nghề còn hạn chế nên không đủ để bố trí cho các hộ sản xuất. Bản thân ông Nho phải thuê lại từ các hộ truyền thống của làng nghề.

Một chủ xưởng sản xuất khác cũng cho hay bất cập ở làng đá còn nhiều do quy hoạch không đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Hiện nay, một số xưởng có bổ sung công nghệ CNC tạo lượng nước thải nhiều. Hệ thống thoát nước không đáp ứng được dẫn đến tình trạng nước thải tràn ra đường cả ngày lẫn đêm.

Nhiều hộ dân sống ở khu vực cạnh làng nghề cũng ngày đêm than phiền do bị ảnh hưởng bởi bụi đá và tiếng ồn. Các hộ ở khu vực đường Văn Tân, phường Hòa Hải phản ánh bị ảnh hưởng do các hộ sản xuất lấn chiếm sang khu vực trồng cây xanh chắn bụi, chống ồn. Việc này làm chết cây trồng mới và cây hiện có, ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ nhỏ và sức khỏe của người dân trong khu vực.

Sẽ di dời các xưởng gây ô nhiễm

Ông Lưu Vạn Tâm Anh, Trưởng Ban Quản lý (BQL) làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, cho hay hiện diện tích của làng nghề không đủ bố trí cho các hộ sản xuất nên vẫn còn một số xưởng nằm rải rác bên ngoài thuộc phường Hòa Hải và Hòa Quý của quận Ngũ Hành Sơn. Theo quy hoạch trước đây sẽ có diện tích mở rộng để có thể bố trí toàn bộ các xưởng sản xuất bên ngoài tập trung vào làng nghề.

Chủ trương của thành phố sắp tới sẽ di dời một số cơ sở có khả năng gây ô nhiễm bên trong làng nghề lên Khu Công nghiệp Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Phần diện tích dôi dư sẽ bố trí cho các hộ khác.

Ông Anh cho hay hồ sơ thiết kế mở rộng làng nghề đã có nhưng do thực hiện quy hoạch của Chính phủ nên chưa tính toán được. Hiện tại với diện tích 31 ha, làng nghề đang có 384 xưởng sản xuất hoạt động. Ông Anh thừa nhận hạ tầng của quy hoạch làng nghề hiện tại không đáp ứng được phát triển sản xuất. Hiện tại các xưởng mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ nên gây ra một số bất cập (chẳng hạn ống nước thải thiết kế không đủ nhu cầu của sản xuất hiện tại nên một số thời điểm nước tràn ra đường). Đối với những hộ này quận sẽ tính toán di dời do việc sản xuất tạo lượng nước thải lớn kèm bụi đá gây tắc ống thu gom.

Bụi mù mịt, nước thải tràn ra đường ở làng đá mỹ nghệ Non Nước

Bụi mù mịt, nước thải tràn ra đường ở làng đá mỹ nghệ Non Nước

Nói về việc ô nhiễm ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống cạnh làng nghề, ông Anh cho hay phần lớn người dân ở đây đều làm nghề đá nên họ dễ thông cảm với nhau. Chỉ một số hộ mới mua nhà thì không chịu được tiếng ồn. BQL đã phối hợp với cơ quan chuyên môn để đo độ ồn nhưng kết quả không vượt quá quy định.

Để giảm bụi và tiếng ồn, BQL đã bố trí hành lang cây xanh xung quanh làng nghề. Cây xanh hiện đã lớn, đủ độ che chắn ở 2 tuyến đường có khu dân cư bên cạnh là Văn Tân và Phạm Như Hiền.

Thành phố đang giao quận tham mưu ban hành đề án di dời làng nghề. Ông Anh cho biết nếu nhanh phải đến cuối năm 2026 mới thực hiện được do liên quan đất đai và kinh phí. UBND quận đang tham mưu cho UBND thành phố phương án di dời. Về phía quận thì đề xuất giữ lại làng nghề để đưa các hộ sản xuất truyền thống đang ở bên ngoài vào, đồng thời xây dựng một khu riêng để đưa du khách vào tham quan, trải nghiệm. Mục đích giữ lại làng nghề để phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của nghề đá mỹ nghệ Non Nước.

Sản phẩm sụt giảm

Trong 2 năm gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế nên sản phẩm xuất đi của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước giảm so với các năm trước. Năm 2023, theo thống kê, cả làng nghề sản xuất khoảng 300.000 sản phẩm các loại. Các năm gần đây chủ yếu sản xuất các loại khối lượng nhỏ nên không mang giá trị kinh tế cao.

Sản phẩm của làng nghề có đến 40%-50% là tượng tôn giáo, còn lại là các mặt hàng mỹ nghệ. Hiện sản phẩm của làng nghề được các nước ở châu Âu, Đông Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Hàn Quốc ưa chuộng.

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-cap-o-lang-nghe-da-non-nuoc-196240702205246172.htm