Bất cập quản lý khiến vé máy bay nội địa tăng cao?
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch, kiểm soát hạn chế tối đa sự chồng chéo của thuế, phí trên mỗi chiếc vé máy bay bán ra, có như vậy vé máy bay nội địa mới có sự cạnh tranh, hạ giá.
Giá vé cao tác động ngược với sự phát triển của hàng không
Thảo luận trên Hội trường Quốc hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, về tình trạng giá vé máy bay nội địa những tháng đầu năm 2024 đến nay tăng rất cao, trung bình mức tăng ở tỷ lệ từ 13% đến 25%. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thông tin cho rằng mặc dù giá vé máy bay nội địa có tăng nhưng vẫn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định tại Thông tư số 34.
“Điều đó không sai so với quy định của pháp luật nhưng qua kết quả tìm kiếm về giá vé máy bay của một số hãng các nước xung quanh cũng như những chặng bay có quãng đường tương đương thì giá vé bình thường các chặng bay nội địa nước ta chênh lệch cao so với các nước trong khu vực được tìm kiếm. Rất nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh tại sao và tại sao giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam”, bà Phúc nêu ý kiến.
Bà Phúc cho rằng, trong khi đó giá vé tiếp tục tăng cao khi người dân có nhu cầu sử dụng các dịch vụ đi lại trong các dịp lễ, Tết, hè hoặc sự kiện quan trọng. Tình trạng khan hiếm vé máy bay xảy ra thường xuyên trong khi hãng hàng không quốc gia vẫn báo lỗ. Điều này rất rõ trong các ý kiến, kiến nghị của cử tri và các số liệu có liên quan.
“Liên quan đến vấn đề này cũng có chặng bay liên quan đến huyện Côn Đảo. Thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri có phản ánh, kiến nghị, đặc biệt là khi hãng hàng không Bamboo Airways dừng bay thì các hoạt động về vé đi lại của Côn Đảo gặp rất nhiều khó khăn và giá vé tăng cao nhưng mua vé thì không có”, bà Phúc nói.
Từ những bất cập nêu trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, vì sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, vì quyền lợi và nhu cầu chính đáng của cử tri và nhân dân, Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo và có giải pháp.
Thứ nhất, tạo cơ chế cạnh tranh minh bạch trong các hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng không để đưa giá vé quay trở về bản chất thực của nó, để không còn râm ran trong dư luận về việc có hay không việc độc quyền hay ghim vé máy bay để dẫn đến tình trạng khan hiếm và bán giá cao khi nhân dân có nhu cầu.
Thứ hai, thu hút đầu tư hạ tầng hàng không thay vì chỉ có Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để kiểm soát hạn chế tối đa sự chồng chéo của thuế, phí trên mỗi chiếc vé bán ra làm cho giá vé tăng cao như trong thời gian qua.
“Theo tôi, chúng ta nên xem xét, cân nhắc lại quy định áp giá sàn hay giá trần đối với giá vé máy bay nội địa. Bởi giá vé máy bay nội địa tiếp tục tăng cao không chỉ làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể là ngành du lịch, trong khi nhu cầu đi lại của người dân sử dụng dịch vụ hàng không, nhất là trong các dịp lễ, Tết và các sự kiện quan trọng mà còn tác động ngược lại đối với sự phát triển của ngành hàng không”, bà Phúc kiến nghị.
Thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch
Đề cập đến câu chuyện giá vé máy bay tăng cao thời gian qua, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng, cần có các biện pháp để điều chỉnh bởi giá vé máy bay ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm nhu cầu đi lại, giảm số lượng khách du lịch. Việc này cũng ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của người dân trong các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn...
“Nếu so sánh, đường bay tương đương của Thái Lan rẻ hơn Việt Nam rất nhiều. Phải tìm các nguyên nhân, bao gồm cả chủ quan và khách quan khiến giá vé máy bay tăng cao như vậy”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nêu.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đặc biệt là yếu tố cạnh tranh, chi phí bảo trì ở nước ngoài rất cao, thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch...
“Hàng không và du lịch cũng có hợp tác nhưng đa phần mạnh ai nấy làm, không có cách thức rủi ro chia sẻ nên giá vé máy bay quá cao đã ảnh hưởng nhiều đến phát triển du lịch nói riêng, sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương nói chung. Do đó, phải hạ giá vé máy bay để phát triển du lịch”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất, cần có gói hỗ trợ cho ngành Hàng không-Du lịch để giảm giá như hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay, đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở Việt Nam.
"Trong câu chuyện giá máy bay, ngành Du lịch và Hàng không phải hợp tác với nhau. Nếu chỉ nghĩ, hàng không tăng vé có lợi cho hàng không nhưng không nghĩ đến việc có hại cho các lĩnh vực khác thì sẽ rất khó. Hàng không, nhà hàng, khách sạn... có liên quan đến nhau, phải hỗ trợ nhau để tạo “combo” du lịch, hạ giá vé máy bay, không chỉ tốt cho du lịch mà còn tốt cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước", đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Thuế, phí trong giá vé máy bay không cao
Trả lời báo chí một số thông tin liên quan đến giá vé máy bay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thuế, phí trong giá vé máy bay không cao.
Theo ông Phớc, tỉ lệ thuế, phí trong giá vé máy bay được thu theo quy định và hiện chiếm rất ít. Theo khảo sát, thuế, phí các hãng hàng không thu hộ chiếm 10-30% tổng chi phí vé máy bay và gần như không đổi trong thời gian qua. Trong đó, các hãng thu hộ ngân sách nhà nước thuế VAT, đây là khoản Bộ Tài chính quản lý.
Còn lại các loại phí như phí sân bay, soi chiếu an ninh là 2 khoản các hãng thu hộ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị đang quản lý, vận hành tại hơn 20 sân bay trên cả nước. Trong đó, phí soi chiếu an ninh được áp dụng cố định ở mức 20.000 đồng (gồm VAT) mỗi hành khách người lớn và 10.000 đồng với trẻ em.
“Về góc độ thuế, phí do Nhà nước thu và quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết chỉ thu thuế VAT 8 đến 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp với các hãng hàng không. Những khoản này chiếm tỉ lệ ít trong giá vé máy bay”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định thuế, phí trong giá vé máy bay ở mức thấp chứ không phải cao. Cần hiểu rằng các loại phí mọi người nói chiếm tỉ trọng cao trong giá vé là phí dịch vụ như phí đỗ máy bay, sân bay... và do ngành giao thông quản lý. Khoản này không phải là chi phí do nhà nước thu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin các khoản thuế, phí thuộc ngân sách hiện nay được nhiều nước tăng thu do muốn tăng nguồn lực công thông qua tăng thuế suất. Đơn cử như tại hội nghị tài chính APEC vừa qua, chủ trương của bộ trưởng tài chính các nước là tăng sức mạnh tài chính công bằng tăng thuế, để đối phó với già hóa dân số, dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong 4 năm qua, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí khoảng 200.000 tỉ đồng một năm để khoan sức dân.