Bất cập tính thuế thu nhập cá nhân - người lao động Hà Tĩnh mong sớm sửa luật
Mức giảm trừ gia cảnh, cách tính % thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp đang tạo áp lực cho người lao động ở Hà Tĩnh.
Công tác tại một ngân hàng thương mại cổ phần ở TP Hà Tĩnh, mỗi tháng, chị Nguyễn Thị Kiều Trang (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) nhận mức lương cố định 13 triệu đồng. Nhờ hiệu suất công việc nên hằng tháng, chị Trang còn được hưởng các khoản thu nhập tăng thêm. Bởi vậy, năm 2023, sau khi quyết toán thuế, chị Trang phải đóng hơn 20 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Chị Nguyễn Thị Kiều Trang chia sẻ: “Hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh đối với 1 người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Tôi đang nuôi 3 con nhỏ thì được giảm trừ gia cảnh 13,2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mỗi tháng, tôi đóng học phí cho các con đã 15 triệu đồng; chưa kể tiền học thêm, chi phí tiêu dùng hằng ngày... Tôi thấy Nhà nước cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc, bởi hiện nay, mức giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng là khá thấp so với mức sinh hoạt thực tế của một người”.
Không riêng chị Kiều Trang, thời điểm này, nhiều lao động trên địa bàn Hà Tĩnh đều bày tỏ băn khoăn về cách tính thuế TNCN, nhất là trong bối cảnh mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức vừa được điều chỉnh tăng từ 1/7/2024.
Chị Ngô Thị Linh – công chức tại đơn vị sự nghiệp công lập ở huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Trước đây, tôi nhận lương 9 triệu đồng/tháng. Sau khi tăng lương, thu nhập của tôi vượt 11 triệu đồng/tháng. Không có người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh nên với mức thu nhập này thì tôi lọt vào danh sách phải nộp thuế TNCN hằng tháng. Vì vậy, việc tăng lương với tôi không còn nhiều ý nghĩa...”.
Được biết, Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2007 và lần điều chỉnh gần đây nhất là ngày 1/7/2020 với mức thu nhập nộp thuế của người lao động là 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc.
Theo nhiều người lao động, cách tính này hiện không còn phù hợp. Bởi mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân nộp thuế và người phụ thuộc quá thấp so với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.
Bên cạnh đó, các bậc tính thuế trong biểu thuế TNCN hiện đang quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên chỉ vài trăm nghìn thì người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, không tạo điều kiện cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Luật Thuế TNCN hiện đang áp dụng 7 bậc lũy tiến từ 5% đến 35%. Cụ thể, phần thu nhập tính thuế đến 60 triệu đồng/năm thì chịu thuế TNCN 5%; phần thu nhập tính thuế từ 60 – 120 triệu đồng/năm thì chịu thuế TNCN 10%; phần thu nhập tính thuế từ 120 – 216 triệu đồng/năm thì chịu thuế TNCN 15%; phần thu nhập tính thuế từ 216 – 384 triệu đồng/năm thì chịu thuế TNCN 20%...
Chị Phạm Loan – nhân viên một cơ quan truyền thông trên địa bàn Hà Tĩnh chia sẻ: “Có những tháng hiệu quả công việc của tôi vượt cao nên thu nhập đội lên nhiều. Tuy nhiên, những tháng đó, tôi lại phải đóng thuế TNCN rất cao. Tôi hi vọng Nhà nước sửa đổi các bậc tính thuế trong biểu thuế TNCN để người lao động “dễ thở” hơn. Theo tôi, phần thu nhập tính thuế từ 60 - 120 triệu đồng/năm chỉ nên đóng thuế TNCN 5% thì mới phù hợp với thực tế ”.
Quả thật, mức giảm trừ gia cảnh, cách tính thuế TNCN hiện nay chưa phản ánh đúng thực tế cuộc sống. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế theo hướng tỷ lệ thuận với mức tăng của lương trong bối cảnh hiện nay.
Thời gian qua, ngành Thuế Hà Tĩnh nhận được rất nhiều phản ánh của người nộp thuế về sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN. Qua đó, người nộp thuế đề xuất tăng mức giảm trừ đối với lao động và giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc, xây dựng biểu thuế mới với cách tính phần thu nhập chịu thuế phù hợp với thực tế.
Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá các luật thuế, trong đó có Luật Thuế TNCN và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, dự kiến thông qua vào tháng 5/2026. Tuy nhiên, tại nhiều cuộc họp, nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội đều đề xuất Chính phủ triển khai sửa đổi Luật Thuế TNCN sớm hơn lộ trình nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Ông Nguyễn Xuân Thường
Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Tĩnh)