Bất cập trong hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình
Được cấp máy lọc nước, gia đình ông Lê Văn Sờ rất vui mừng. Tuy nhiên, máy lọc nước chất lượng quá kém, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn, gây lãng phí ngân sách Nhà nước
Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình (Quyết định 05) đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, góp phần thực hiện tiêu chí 17.1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo sự công bằng giữa hộ dân nông thôn trong và ngoài vùng quy hoạch cấp nước của hệ thống cấp nước tập trung. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều bất cập, hệ thống xử lý nước hoạt động không hiệu quả, nhanh hư hỏng.
Là một trong những hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hệ thống lọc nước theo Quyết định 05 của UBND tỉnh, ông Lê Văn Sờ (ngụ ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) cho biết, năm 2020, gia đình ông được hỗ trợ một máy lọc nước R.O phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, chưa được 3 tháng, chiếc máy “đình công”, không hoạt động nữa.
Sau đó, gia đình ông được doanh nghiệp cung cấp máy đến sửa chữa, thay lõi lọc mới. Sau lần sửa chữa này, chiếc máy chỉ hoạt động thêm được một tháng rồi tiếp tục hư hỏng, gia đình tiếp tục liên hệ doanh nghiệp cung cấp máy, đơn vị này hứa đến sửa chữa nhưng chờ mãi không thấy, gia đình ông đành rút điện máy lọc rồi dùng vải đậy lên đã 3 năm nay.
Theo ông Sờ, người dân khu vực này chủ yếu sử dụng nước giếng khoan, nguồn nước tại đây bị nhiễm phèn nên ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sức khỏe. Được cấp máy lọc nước, gia đình ông rất vui mừng. Tuy nhiên, máy lọc nước chất lượng quá kém, chỉ hoạt động được một thời gian ngắn, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Gia đình ông Đặng Văn Bấu, ngụ ấp Thuận Hòa, xã Lợi Thuận được cấp hệ thống lọc nước cứng, lắp đặt từ năm 2019. Hệ thống hoạt động khá tốt, tuy nhiên, hệ thống được đấu nối mô-tơ chạy trực tiếp mà không sử dụng bồn chứa.
Mỗi khi dùng nước phải mở công tắc điện cho mô-tơ hoạt động thì mới có nước, chính vì vậy khá tốn điện, làm phát sinh chi phí lớn nên chỉ sau một tháng sử dụng, gia đình ông Bấu đã tháo bỏ hệ thống lọc nước này, quay trở lại xài nước giếng khoan như trước đây.
Theo ông Bấu, gia đình ông có hoàn cảnh khó khăn, hằng tháng chi trả tiền điện sinh hoạt đã là một gánh nặng, việc trang bị hệ thống lọc nước này khiến tiền điện của gia đình ông tăng gấp đôi, nên ông không thể sử dụng nữa.
Theo một hộ dân giấu tên tại ấp Thuận Đông, xã Lợi Thuận, gia đình ông thuộc diện chính sách nên được hỗ trợ hệ thống lọc nước sinh hoạt. Khi lắp đặt máy, gia đình ông không phải bỏ tiền ra mua, đơn vị bán máy cho biết, gia đình chỉ việc nhận và sử dụng, khi có hư hỏng thì điện thoại theo số in trên thân máy, sẽ có nhân viên đến bảo trì, sửa chữa. Đến khi máy gặp trục trặc, liên hệ với số điện thoại của đơn vị cung cấp không được, ông đã báo cho chính quyền địa phương nhưng cũng không thể nào liên hệ được với họ.
Ông Mai Văn Thuận- Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận cho biết, chính sách hỗ trợ hệ thống lọc nước sinh hoạt hộ gia đình theo Quyết định 05 là chủ trương đúng, thiết thực đối với người dân vùng nông thôn không có điều kiện tiếp cận hệ thống cấp nước tập trung. Qua 3 năm triển khai, xã Lợi Thuận có 61 hộ được thụ hưởng chính sách này, với tổng kinh phí thực hiện là 306 triệu đồng.
Theo ông Thuận, từ khi triển khai chương trình, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị thống kê, rà soát và cung cấp danh sách các hộ thuộc diện được hỗ trợ, đồng thời, trong quá trình lắp đặt các hệ thống lọc nước tại các hộ, xã cũng tiến hành giám sát. Quá trình sử dụng, có nhiều trường hợp gặp sự cố nhưng không thể liên lạc được với đơn vị cung cấp, khiến cho người dân bức xúc; có trường hợp liên hệ sửa chữa không được, hộ dân tháo máy bán, UBND xã đã lập biên bản trường hợp này để báo cáo về huyện.
Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Cầu cho biết, huyện chưa nắm được thông tin về những trường hợp hỗ trợ hệ thống lọc nước nhưng không thể sử dụng như phản ánh của phóng viên. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với địa phương rà soát từng trường hợp để nắm cụ thể.
Tại hội thảo giới thiệu chính sách, công nghệ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh tổ chức hôm 27.10.2023, ông Lê Anh Tâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, giai đoạn 2018-2020, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Nghị quyết số 38/2017/NQ-HĐND ngày 8.12.2017 của HĐND tỉnh và Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả, lan tỏa tích cực trong xã hội. Các địa phương đã hỗ trợ lắp đặt 6.452 hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, đạt 40,75% so với mục tiêu đề ra. Tổng kinh phí thực hiện là 38,712 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 36,55 tỷ đồng (chiếm 94,42%).
Việc hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn, góp phần thực hiện tiêu chí 17.1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nông thôn nằm ngoài phạm vi cấp nước của các công trình cấp nước tập trung, phù hợp với chất lượng nước tại địa phương nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước sạch; bảo đảm công bằng trong sử dụng nước sạch giữa vùng nông thôn và thành thị... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số hệ thống bị hư hỏng, chậm bảo trì, sửa chữa, ảnh hưởng đến việc sử dụng nước sạch của người dân.