Bất cập trong neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền ở Hà Tĩnh
Hà Tĩnh có nhiều khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhưng luồng lạch bị bồi lắng nhanh và nghiêm trọng. Nhiều nơi tàu cá có công suất lớn chỉ vào được lúc triều cường gây khó khăn, nguy hiểm cho ngư dân khi có mưa bão.
Chật vật tìm nơi trốn bão
Có mặt tại khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Khẩu-Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) lúc thủy triều xuống, chúng tôi thấy những bãi cát nhấp nhô nổi lên dọc hai bên luồng lạch. Những chiếc tàu nhỏ nằm chơ vơ trên bờ, còn những chiếc tàu cá công suất lớn từ khơi xa về đang neo ngoài cửa biển chờ con nước lên mới vào bờ được. Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Khẩu-Kỳ Hà vừa được đầu tư giai đoạn 1 phần dịch vụ trên bờ gồm: Nhà điều hành, sân bãi, hệ thống điện, nước. Tuy nhiên, hiện nay khu neo đậu chưa có kè chắn sóng và âu thuyền neo đậu, luồng lạch vào bị bồi lắng nghiêm trọng. Một số hộ dân tự ý làm lồng bè nuôi trồng hải sản tại vùng neo đậu nên tàu thuyền ra vào tránh bão gặp nhiều khó khăn.
Từ nhiều năm nay, tại các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, tình trạng các cửa lạch không được nạo vét kịp thời, không có biện pháp ngăn chặn sự bồi lắng nên thường xuyên bị cạn, gây mất an toàn cho người và tàu cá khi vào lạch để tránh trú bão. Ngoài ra, tại một số khu neo đậu do phải đi qua cầu giao thông có khoảng không lưu thấp, hay tình trạng lấn chiếm vùng nước của khu neo đậu để nuôi trồng thủy sản nên cũng làm ảnh hưởng đến quá trình tránh trú bão của tàu cá, đồng thời ngư dân mất thêm các chi phí khác cho việc tránh trú bão do phải di chuyển đến những địa điểm khác để tránh trú bão.
Anh Trần Xuân Thứ (xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) có tàu cá công suất 380CV, mỗi tháng anh ra khơi 2-3 chuyến. Do khu neo đậu không đáp ứng được cho tàu có công suất lớn, anh và các ngư dân trong làng phải chật vật đi tìm chỗ trú khi có tin bão hay áp thấp, dông lốc. Anh Thứ chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi cho tàu chạy theo cửa lạch neo dọc các đoạn đê kín gió. Nhưng từ khi xây cây cầu sông Trí, khi mưa bão về, nước dâng cao lên thì tàu thuyền không chạy qua được. Do vậy, ngư dân đành phải tìm cách đưa tàu đi tìm nơi trú để bảo đảm an toàn. Có người thì phải “liều” neo tại cửa lạch, người có tàu lớn thì đi các địa phương khác tránh trú. Mỗi lần nghe tin bão phải đi trước vài ba ngày, riêng tiền dầu đã tốn mấy triệu đồng!”.
Không chỉ tại xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh mà các ngư dân tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà cũng rất vất vả khi phải đi tìm nơi trú ẩn cho tàu khi có bão. Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Sót thiết kế cho tàu cá 300CV đưa vào sử dụng từ năm 2011. Thực tế hiện nay tàu thuyền trên 200CV chỉ vào được lúc triều cường. Khu vực sát chân kè bị bồi lắng nghiêm trọng, tàu thuyền phải đậu cách bờ gần 10m. Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (Lộc Hà) nói: “Các tàu vào trú bão cũng phải chờ triều cường, nước dâng cao mới vào được âu thuyền. Trong khi đó, luồng lạch ra vào âu thuyền bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến tàu của ngư dân bị mắc cạn, nghiêng tàu, thường xuyên gãy chân vịt, hỏng máy”.
Ách tắc thủ tục xã hội hóa
Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh được giao quản lý 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá gồm: Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà; Cửa Nhượng, huyện Cẩm Xuyên; Cửa Khẩu-Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh; Cửa Hội-Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Hà Tĩnh chủ yếu được thiết kế phục vụ cho tàu 250CV nhưng thực tế hiện nay tại các địa phương đang có nhiều tàu có công suất trên 250CV đến 1.000CV và ngày càng có nhiều tàu công suất lớn, vì vậy hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hiện nay không đáp ứng được nhu cầu, nguy cơ mất an toàn cao.
Những khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đã được đầu tư bài bản như Cửa Hội-Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân) và Cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) thiết kế cho tàu cá 600CV cũng không tránh khỏi quy luật bồi lắng tự nhiên. Hiện tại luồng và vùng neo đậu tàu cá chưa được duy tu nạo vét định kỳ, chỉ đáp ứng được cho tàu dưới 90CV khi mực nước bình thường, ảnh hưởng rất lớn đến việc tàu cá ra vào khu neo đậu tránh trú bão khi có áp thấp và bão.
Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Để giải quyết triệt để bài toán bất cập tại các khu neo đậu tránh trú bão, chúng tôi đã đề nghị cấp trên và các đơn vị liên quan có chủ trương nạo vét luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hàng năm theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, việc này còn gặp nhiều vướng mắc tại Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28-11-2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, khiến các doanh nghiệp, tổ chức có ý định tham gia xã hội hóa nạo vét đều không đáp ứng được yêu cầu. Không chỉ ở Hà Tĩnh mà các địa phương khác cũng đang ách tắc vấn đề thủ tục xã hội hóa nạo vét cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền”.
Theo Ban Quản lý các cảng cá Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh và các tỉnh trên toàn quốc chưa có dự án nào triển khai thực hiện theo quy định của Nghị định số 159/2018/NĐ-CP nên chưa có các hồ sơ tương tự để tham khảo. Theo đó, để hoàn thiện hồ sơ theo quy định, phải thực hiện nhiều nội dung, trong đó có các nội dung đòi hỏi thời gian, năng lực, vật lực và kinh phí tương đối nhiều như về vật liệu nạo vét; cần phải khảo sát thủy văn, chạy mô hình toán, khoan địa chất, lấy mẫu phân tích thí nghiệm đánh giá vật liệu; khảo sát vị trí đổ thải ở trên bờ, hay ngoài biển. Việc đánh giá mức độ bồi lắng đòi hỏi phải tính toán mô hình thủy lực và các nghiên cứu chuyên sâu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có kinh phí để thuê đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện các công việc này. Trong tỉnh Hà Tĩnh cũng chưa có đơn vị tư vấn nào có đủ năng lực, kinh nghiệm để lập dự án xã hội hóa. Đối với các đơn vị tư vấn ngoài tỉnh do chưa có kinh phí nên không thể thuê các đơn vị tư vấn. Với các khó khăn như trên, việc lập hồ sơ dự án nạo vét khu neo đậu tránh trú bão theo hình thức xã hội hóa trước mắt chưa triển khai thực hiện được.
Để bảo đảm cho tàu thuyền và ngư dân ra vào khu neo đậu tránh trú bão thuận lợi, an toàn trong thời tiết bình thường cũng như mùa mưa bão, trước mắt, các địa phương cần bố trí nguồn kinh phí để thực hiện nạo vét duy tu luồng lạch và vùng nước định kỳ. Về lâu dài, các cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu các nội dung, trình tự thủ tục xã hội hóa việc nạo vét, duy tu khu neo đậu tránh trú bão nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội, đáp ứng được nhu cầu khai thác, đánh bắt hải sản của người dân cũng như công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ.