Bất cập trong nuôi trồng thủy sản ven biển

Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha và đến năm 2030 đạt 300.000ha, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1 tỷ USD mỗi năm.

Cần quy hoạch bền vững cho nuôi trồng thủy sản ven biển. Ảnh: Đỗ Hương/VGP.

Cần quy hoạch bền vững cho nuôi trồng thủy sản ven biển. Ảnh: Đỗ Hương/VGP.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương đã sử dụng đất, diện tích mặt nước vào những mục đích khác. Bên cạnh đó, là tình trạng vùng nuôi trồng phát triển tự phát, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát xảy ra khá phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả do quy hoạch, do trình độ kỹ thuật nuôi trồng của bà con còn hạn chế, do môi trường...

Chính vì thế, phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển bền vững còn nhiều thách thức.

Riêng về việc làm thế nào để bà con yên tâm sử dụng mặt nước nuôi trồng lâu dài, ông Trần Thế Anh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN cho biết, quá trình cộng tác với bà con ở Hải Phòng, Nam Định trong việc tư vấn nuôi ngao, nuôi cá cho thấy, trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản đang tồn tại nhiều vướng mắc. Cụ thể, quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương xây dựng trước năm 2020, quy hoạch này đến năm 2030. Nhưng năm 2021 lại đặt ra vấn đề tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp, dẫn đến nhiều nơi điều chỉnh quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản để tạo điều kiện cho ngành nghề khác sử dụng quỹ đất liên quan nuôi thủy sản. Việc này đột ngột, dẫn đến giảm diện tích nuôi trồng, mất sinh kế của người nông dân.

Cũng về vấn đề này, theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, có nhiều quy định chưa phù hợp. Khi bà con được giao quyền sử dụng mặt nước thì bà con có các quyền sử dụng theo quy định của Luật Thủy sản. Còn nếu chỉ giao theo kiểu trao tay với nhau thì sẽ dẫn đến những bất cập trong nuôi trồng thủy sản cũng như đảm bảo quyền lợi của nông dân.

Còn về công tác quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản, theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cũng có nhiều hạn chế, bất cập. Nguyên nhân do nguồn kinh phí thực hiện chương trình không nhiều nên mẫu kiểm tra được ngành chức năng thực hiện còn ít, các chỉ tiêu mới chỉ dừng lại ở các thông số thông thường, chưa đánh giá được tổng thể các yếu tố trong môi trường nước.

Tại các địa phương cũng có các hoạt động quan trắc môi trường, tuy nhiên nguồn kinh phí thực hiện hoạt động có hạn nên chưa đáp ứng đầy đủ thực tiễn sản xuất. Ít tỉnh được đầu tư đầy đủ trang thiết bị, trong khi đó đa số các địa phương trang bị nghèo nàn, không đảm bảo cho hoạt động quan trắc diễn ra thường xuyên.

“Nuôi thủy sản ven biển, đặc biệt nuôi nhuyễn thể chịu ảnh hưởng chi phối của môi trường bên ngoài rất nhiều. Chính vì vậy các cơ sở nuôi nếu không có điều kiện giám sát liên tục sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Để mang lại hiệu quả, chúng tôi khuyến các các cơ sở nuôi trồng thủy sản cần chủ động các biện pháp kỹ thuật, đặc biệt là khi yếu tố môi trường thay đổi”- ông Tuấn nói.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-cap-trong-nuoi-trong-thuy-san-ven-bien-5684692.html