Bất cập trong phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ

Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng chuyên doanh… tăng nhanh về số lượng nhưng thiếu đồng bộ, phân bố không đều tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị; một số chợ xây dựng xong nhưng không có hoặc rất ít tiểu thương vào kinh doanh; nguồn ngân sách và kêu gọi xã hội hóa phát triển chợ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn… đó là những bất cập trong phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Chợ xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên hoàn thành gần 2 năm nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động

Chợ xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên hoàn thành gần 2 năm nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động

Chợ xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2013 với khoảng 100 ki ốt trên tổng diện tích hơn 3.000 m2, tổng kinh phí xây dựng hơn 2,6 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục như nhà chợ chính, hệ thống rãnh thoát nước thải, đường nội bộ, đường vào chợ…

Mặc dù đã hoàn thành gần 10 năm, lại nằm ở vị trí khá thuận lợi khi sát với Quốc lộ 2B, gần trung tâm xã, nhưng đến nay trong chợ chỉ có một vài tiểu thương kinh doanh, còn hầu hết các hộ khác đều kinh doanh phía ngoài cổng hoặc ở các điểm chợ cóc.

Chợ xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên được đầu tư tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng trên tổng diện tích hơn 4.000 m2 bao gồm nhà điều hành, bãi trông giữ xe, 3 dãy ki ốt, 3 nhà chợ chính cố định có mái che, hơn 80 chỗ ngồi cố định ngoài trời; hơn 50 chỗ ngồi tự do, …

Tuy nhiên, sau gần 2 năm hoàn thành, chợ vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Lý giải nguyên nhân trên, chính quyền xã Định Trung cho biết là do khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục bàn giao và hướng dẫn quy chế hoạt động của chợ. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương không muốn vào chợ kinh doanh.

Tương tự, một số chợ ở các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện Tam Dương, Sông Lô, Bình Xuyên cũng trong tình trạng hoạt động kinh doanh đìu hiu, tiểu thương thuê ki ốt trong chợ để buôn bán rất hạn chế.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, hệ thống hạ tầng thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh hiện có 2 trung tâm thương mại là Hà Minh Anh và Soiva Plaza tại thành phố Vĩnh Yên; 7 siêu thị tổng hợp và chuyên doanh; 84 chợ các loại, bao gồm 1 chợ đầu mối, 4 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 68 chợ hạng III; gần 1.300 cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ khác.

Mặc dù cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương, nhưng đánh giá tổng quan cho thấy, hạ tầng thương mại bán lẻ phát triển chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch, thiếu đồng bộ, tăng nhanh về số lượng nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các đô thị.

Ở nông thôn, miền núi, mạng lưới chợ còn thưa thớt; siêu thị, trung tâm thương mại còn ít. Các chợ khu vực nông thôn được đầu tư nhưng chủ yếu là cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới nhưng với quy mô nhỏ.

Nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư xây dựng chợ, cũng như kêu gọi vốn xã hội hóa gặp khó khăn, nhất là khu vực nông thôn, miền núi thu nhập và sức mua của người dân không cao nên rất khó thu hút đầu tư nếu không có chính sách phù hợp, hấp dẫn…

Để khắc phục những bất cập trên, tạo động lực phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng bán lẻ trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang thương mại, dịch vụ ở các địa phương, theo đề xuất của cơ quan chuyên môn, tỉnh xem xét khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động hệ thống chợ; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút các đầu tư vào hạ tầng thương mại, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn; tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, gắn với tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa cho người dân nông thôn.

Xây dựng quy chế hoạt động chung cho hệ thống các chợ; nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng; kiên quyết dẹp bỏ các điểm chợ cóc, không đảm bảo các điều kiện kinh doanh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm…

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76920/bat-cap-trong-phat-trien-ha-tang-thuong-mai-ban-le.html