Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM Nhìn từ Singapore, Dubai…

Theo nhiều chuyên gia, TPHCM với vị trí chiến lược tại Đông Nam Á cùng cơ sở hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, đã và đang khẳng định là trung tâm kinh tế, tài chính của cả nước. Trung tâm tài chính gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, hàng hóa phái sinh. Do vậy cần 'nhìn sang' mô hình trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế thành công như Singapore, Thượng Hải, Dubai và Dublin để lựa chọn phát triển TTTC quốc tế TPHCM.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Không gian phát triển: “Nghĩ lớn, làm lớn, mới thắng lớn”

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, TPHCM và Đà Nẵng đã khảo sát, đề xuất các phương án “ranh hành chính” thực hiện quy hoạch Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại địa phương mình. Việt Nam sẽ chọn khác với thông lệ nhiều nước, nơi mô hình “không gian mềm” không có giới hạn về địa lý (tương tự như đặc khu Hồng Công hay quốc đảo Singapore hay phố tài chính như London).

Ở bối cảnh Việt Nam, trong tầm nhìn, tư duy “Nghĩ lớn, làm lớn, mới thắng lớn” của chính quyền địa phương, việc chọn ranh hành chính phải đủ lớn, đảm bảo sự linh hoạt, độ mở cho các ngành dịch vụ hỗ trợ. Trung tâm tài chính nên là khu phức hợp công trình, dự án kết nối nhau, đảm bảo phục vụ các hoạt động tài chính, dịch vụ hỗ trợ (lưu trú, nhà hàng, khách sạn…). Ở TPHCM, khu vực trung tâm quận 1 tiếp giáp các tuyến phố đi bộ, sông Sài Gòn, nơi có nhiều tòa nhà văn phòng hiện hữu, rất thuận lợi để phát triển thành trung tâm tài chính. Trong khi phần lớn khu Thủ Thiêm với lợi thế về quỹ đất và không gian rộng rãi (hơn 650ha), kết nối thuận lợi với khu vực trung tâm. Hai không gian này dễ dàng kết nối đôi bờ, gắn kết, chia sẻ nhiều tiện ích với nhau.

Ông BÙI TRƯỜNG, Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, Chuyên gia tư vấn cho Trung tâm Tài chính Dubai: Mô hình “1+3” cho trung tâm tài chính

TPHCM là nơi có mật độ tập trung các tổ chức tài chính cao nhất trong cả nước, với tổng huy động vốn chiếm hơn 24% tổng vốn huy động toàn quốc và tổng dư nợ cho vay chiếm hơn 28%. Đặc biệt, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) chiếm 95% giá trị vốn hóa thị trường và đóng góp hơn 54% GDP cả nước.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, TPHCM có thể học hỏi bài học từ các mô hình TTTC quốc tế thành công như Singapore, Thượng Hải, Dubai và Dublin đồng thời cần phải thay đổi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của thành phố. Ví dụ, Singapore tập trung phát triển ngành quản lý tài sản và fintech, Hồng Công áp dụng các chính sách thu hút ngân hàng quốc tế, trong khi Dubai nổi bật với các chính sách, ưu đãi từ khu tự do thương mại. Từ đó, thành phố nên xây dựng một lộ trình phát triển TTTC quốc tế phù hợp. Bắt đầu từ việc thiết lập nền tảng tài chính vững chắc tại trung tâm, sau đó chuyển mình trở thành TTTC khu vực và cuối cùng là TTTC quốc tế. TTTC quốc tế tại TPHCM sẽ phát triển theo mô hình “1+3” với lõi là trung tâm tài chính quốc tế và 3 trung tâm công nghiệp xanh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục - đào tạo nhằm tạo nên hệ sinh thái tài chính toàn diện. TTTC này sẽ tập trung phát triển các sản phẩm tài chính cốt lõi bao gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường hàng hóa.

Ông NATHAN HOÀNG, Giám đốc Đầu tư, Quỹ IDGX Capital: Tiền và tài sản mã hóa sẽ là thí điểm mang tính đột phá

Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất trong thị trường tiền và tài sản mã hóa và có tiềm năng để thí điểm, đến thúc đẩy để hình thành và phát triển thị trường này. Theo một số báo cáo, tính đến năm 2024, gần 20 triệu người Việt Nam (17,4% dân số) đang sở hữu tiền điện tử, đứng thứ 7 toàn cầu về tỷ lệ sở hữu tiền điện tử. Xét trên các tiêu chí về khối lượng giao dịch trên quy mô nền kinh tế, năm 2024 Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về chỉ số chấp nhận tiền điện tử. Do đó, Việt Nam có thể thu được đáng kể thuế từ giao dịch, phí cấp phép sàn giao dịch và cả lợi nhuận từ giao dịch, nếu có cơ chế kiểm soát thông qua các sàn giao dịch được cấp phép. Hiện, chúng ta có 3 thách thức chính: Rủi ro chính sách lỏng lẻo, không tương thích với các quy định sẵn có; Rủi ro tiền mã hóa bị lạm dụng để rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo; Rủi ro tiền mã hóa gây mất ổn định tiền Việt Nam đồng.

Ba thách thức này cũng đã được các nhà soạn thảo luật, chuyên gia đề xuất giải pháp: từ hoàn thiện khung pháp lý, thành lập cơ quan chuyên trách và cấp phép thí điểm (sandbox) giải pháp đến các biện pháp chống rửa tiền (AML), xác minh danh tính khách hàng (KYC), hay tính đến phương án phát hành tiền kỹ thuật số (CBDC) và kiểm soát các tiền mã hóa được gắn với một tài sản có giá cả ổn định (stablecoin).

CÁT QUÂN ghi

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tphcm-nhin-tu-singapore-dubai-post793158.html