Bất cập trong sử dụng đất tại các nông, lâm trường xứ Thanh: Lãng phí tài nguyên, đi ngược kỳ vọng
Hàng loạt những bất cập đang tồn tại ở hầu hết hết các nông, lâm trường tỉnh Thanh Hóa là tình trạng quản lý, sử dụng đất kém hiệu quả. Công tác giao khoán đất theo dạng 'phát canh thu tô' dẫn đến tình trạng sử dụng đất sai mục đích, sử dụng theo kiểu 'mạnh ai nấy làm', gây thất thoát, lãng phí tài nguyên.... Trong khi thực trạng người nghèo, đặc biệt là đồng bào các huyện miền núi tỉnh này thiếu đất sản xuất, đã nhiều lần là vấn đề 'nóng' được đưa lên nghị trường bàn tính?!
Quản lý lâm trường kiểu "phát canh thu tô"?
Tính đến giữa năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có 32 đơn vị là các nông, lâm trường đang hoạt động và sử dụng 196.714,4ha đất. Mặc dù, Nghị định 118/2014/NÐ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng bền vững… đã rõ. Thế nhưng, đến nay tại Thanh Hóa, việc sắp xếp, đổi mới, cũng như hiệu quả sử dụng đất tại các nông trường, lâm trường còn chậm và bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Đơn cử, tại Lâm trường huyện vùng cao Bá Thước, từ những năm 1990, mặc dù Ban lãnh đạo lâm trường này đã đưa ra nhiều phương án thay đổi cây trồng mới như, trồng lát, muồn đen, trẫu… nhằm thay đổi cục diện, đem lại hiệu quả kinh tế nhưng hiệu quả mang lại không cao. Thực trạng trên kéo dài đến những năm 2000, lâm trường này buộc chuyển giao lại cho Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc quản lý với hy vọng thay đổi cục diện. Dẫu vậy, thực tế cũng chẳng có gì thay đổi.
Trường hợp hộ gia đình chị Vũ Thị Hiền (trú tại thôn Bái Tôm, xã Điền Quang, huyện Bá Thước) cho hay, vợ chồng chị vốn là công nhân của Lâm trường Bá Thước. Từ những năm 1990, gia đình chị đã nhận giao khoán 3ha đất lâm nghiệp, với thời hạn 50 năm để khôi phục lại rừng luồng. Tuy nhiên, sau một một thời gian dài cây luồng không đem lại hiệu quả kinh tế khiến gia đình chị cùng nhiều hộ khác lâm cảnh "chạy ăn từng bữa".
Chấp nhận bị phía Công ty chủ quản phạt, gia đình chị Hiền và hơn 100 hộ công nhân khác của lâm trường đã tự ý phá bỏ cây luồng, chuyển sang trồng các loại cây khác như: Keo, mía, ngô, sắn và các cây ngắn ngày khác với mong muốn thay đổi thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế. Để rồi, toàn bộ diện tích đất của lâm trường bị chia nhỏ "mạnh ai nấy làm" không theo một kế hoạch, chủ trương cụ thể nào.
Bất ngờ, đến năm 2017, phía Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc thông báo sẽ rút ngắn thời gian thuê đất từ 50 năm xuống còn 30 năm để giao lại lâm trường cho Công ty Đồng Giao làm vùng nguyên liệu. Điều này đã khiến người dân lâm trường lo lắng vì không biết khi nào sẽ bị thu hồi đất và thu hồi rồi thì họ sẽ canh tác bằng gì?
Các hộ dân cho rằng, có lẽ bởi biết trước tương lai đó nên trong thời gian dài, lãnh đạo lâm trường này không đưa ra được bất kỳ phương án nào để phát triển. Hầu hết đều là những kế hoạch chung chung, vạch ra rồi để đấy. Thậm chí, kể cả khi phát cây giống cho người dân trồng theo kế hoạch, công tác kiểm tra, đánh giá cũng bỏ bê. Thậm chí nói một cách thô, điều công ty quan tâm duy nhất là định kỳ, đến từng hộ dân thu thuế đất.
Tìm hiểu của chúng tôi, hiện Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang cho công nhân thuê lại đất với giá 600.000 đồng/1ha/năm, mỗi năm thu tiền một lần. Với cách làm này đang khiến dư luận nhầm tưởng thay vì phát huy, đổi mới cách làm, quản lý để phát triển lâm trường theo tinh thần của Nghị định 118/2014/NÐ-CP của Chính phủ, thì đơn vị lại đang quản lý, phát triển lâm trường theo hướng "phát canh, thu tô"?!
"Nghịch lý" trong sử dụng đất
Thực trạng "ôm" giữ đất tại các lâm trường nhưng phát huy kém hiệu quả đang tạo ra một nghịch lý, bức xúc trong dư luận. Cụ thể, trong Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020" đã chỉ rõ: Một trong những nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo ở các huyện miền núi còn chậm chính là việc người dân thiếu đất sản xuất.
Ông Trương Văn Lịch - Chủ tịch HĐND huyện Bá Thước cho rằng: Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đang quản lý 3.442,54ha đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất mà không đem lại hiệu quả. Trong khi đó, huyện đang thiếu trầm trọng đất sản xuất để bố trí cho người dân cũng như quỹ đất để tái định cư cho đồng bào vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét và người dân vùng thủy điện Bá Thước phải di dời.
Tìm hiểu của PV, không chỉ riêng huyện Bá Thước, nghịch lý thấy rõ khi con số thống kê từ cơ quan hữu trách tỉnh Thanh Hóa tính đến tháng 7/2017, toàn tỉnh có 20.914 hộ dân các huyện miền núi thiếu đất sản xuất, tương đương khoảng 39.065ha. Trong khi, số liệu thống kê có đến 32 đơn vị là các nông, lâm trường đang quản lý và sử dụng trên 197.714ha đất…
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, một trong những địa phương có nhiều công ty lâm nghiệp, rừng phòng hộ khẳng định, tình trạng chung của các nông, lâm trường hiện nay là việc sử dụng đất kém hiệu quả nhưng các đơn vị này lại không muốn bàn giao lại đất cho chính quyền quản lý. Nguyên do, các đơn vị lâm trường họ giữ đất để thực hiện cái gọi là "phát canh thu tô", trong khi đồng bào miền núi của huyện đang thiếu đất sản xuất trầm trọng.
Bản chất là cơ chế, đổi mới có hiệu quả
Việc các nông lâm trường có lịch sử hình thành trải qua nhiều giai đoạn với nhiều chính sách quản lý khác nhau, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp. Phần lớn các nông trường, lâm trường đều có địa hình khó khăn, trong khi phải quản lý quỹ đất lớn, lực lượng mỏng dẫn đến việc đổi mới, phát huy còn nhiều hạn chế. Trước thực tiễn đó, Nghị định 118/2014/NÐ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, trong đó có yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, tài nguyên rừng bền vững. Ðến nay, sau hơn bốn năm thực hiện, việc sắp xếp, đổi mới các nông trường, lâm trường hiện vẫn còn chậm, hiệu quả chưa như kỳ vọng đặt ra…
Ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay nhà nước đang khuyến khích tích tụ ruộng đất, thực tế, các nông, lâm trường đã làm từ lâu và hiện nay họ đều sở hữu mảnh thửa lớn. Vấn đề ở đây không phải là chuyện bàn giao đất cho chính quyền quản lý mà là cơ chế quản lý, phát triển ở các nông, lâm trường này như thế nào.
Nếu các doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, sản xuất, chế biến tốt, sử dụng được nguồn lao động dôi dư của địa phương thì nên khuyến khích họ vào đầu tư, thay thế mô hình doanh nghiệp quốc doanh. Điều này, vừa giải quyết được bất cập trong sử dụng đất không hiệu quả, vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân, giúp người dân thoát nghèo do thiếu đất sản xuất.... Ngược lại, nếu như không tính toán một cách cụ thể, thấu đáo, cứ ồ ạt bàn giao đất lại cho địa phương quản lý cũng không phải là một cách hay, thậm chí nguy cơ đất đai lại quay về với thời kỳ manh mún, nhỏ lẻ.
Rõ ràng bài toán cho những bất cập trong sử dụng đất kém hiệu quả tại các nông lâm trường chính là việc thiếu đổi mới về cơ chế, về quản lý kinh doanh... Thay vì giao đất cho chính quyền địa phương thì nên chăng tập trung vào đổi mới mô hình hoạt động của chính các nông lâm trường như tinh thần của Nghị định 118/2014/NÐ-CP của Chính phủ.
Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Phải đưa doanh nghiệp tư nhân vào để họ tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến để tiến tới phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao”.