Bất cập trong tuyển sinh lớp 10: Có nên chiều theo ý phụ huynh?
Hiện nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội cần xây thêm nhiều trường công lập để học sinh được theo học nhằm tránh việc phải thức xuyên đêm mua hồ sơ tuyển sinh.
Tâm lý thích trường công, trường điểm
Câu chuyện phụ huynh có con vào lớp 10 ở Hà Nội khổ sở tìm trường học cho con đang trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn mạng xã hội. Để có chỗ học cho con, phụ huynh phải thức xuyên đêm ngồi thành những hàng dài chờ đợi nhà trường phát hồ sơ đã trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập ít, không đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Có trường hợp học sinh có kết quả thi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với mức điểm cao trên 40 điểm nhưng vẫn không đỗ trường công lập nào.
Trong khi đó, phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhiều lần lên tiếng về việc thành phố không thiếu chỗ học. Mới đây, Hà Nội cũng đã hạ điểm chuẩn trên 30 trường và giao hơn 2 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ngoài công lập và thêm hàng trăm chỉ tiêu cho các trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Liên quan đến công tác tuyển sinh của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2023-2024 của thành phố Hà Nội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/7/2023.
Cần có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo
Hiện nay, có thực tế nhiều học sinh nghèo, gia đình khó khăn, không có tiền học trường tư thục. Trong khi việc thi vào các trường công lập ở nội đô lại rất khó. Đối với những trường hợp này, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo công bằng. Nhà nước phải tính đến chuyện này, phải có chính sách hỗ trợ giúp các em được theo học.
“Công tác tuyển sinh lớp 10 Hà Nội thực sự đang có vấn đề, tại sao không xây nhiều trường để học sinh có thêm chỗ học tập” – chị Nguyễn Thúy Anh ở Đống Đa nêu ý kiến. Trong khi anh Nguyễn Trọng Văn ở Hà Đông cho rằng, một quận trung tâm chỉ có 2 đến 3 trường THPT công lập là ít. Con số đó chỉ tương đương với một huyện ở quê. Các ý kiến trên cũng là nguyện vọng của không ít phụ huynh học sinh hiện nay.
Trước vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng, nguyện vọng cho con vào trường quốc lập là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh. Nhưng thực tế chưa bao giờ đáp ứng hết nguyện vọng này. Bởi vì, chủ trương hiện nay của ta là chưa phổ cập bậc THPT vì chưa có điều kiện kinh tế để làm.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, việc phụ huynh xếp hàng mua hồ sơ cho học sinh chỉ xảy ra ở một số trường tự chủ tài chính, tuyển sinh trên toàn thành phố và nằm ở các khu vực quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Đống Đa… còn ở các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Phụ huynh chen lấn, thức thâu đêm mua hồ sơ cho con vào lớp 10 cũng xuất phát từ tâm lý thích trường điểm trong khi hiện nay nhiều mô hình giáo dục tư thục đã phát triển và đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của học sinh. Ngoài ra, các trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn chưa tuyển đủ học sinh.
Bình luận về thực trạng trên, thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: Ở nhiều nước phát triển, việc phân luồng giáo dục sau bậc THCS họ thực hiện rất mạnh. Tùy vào năng lực của từng em để đi học nghề, theo học các mô hình giáo dục vừa học vừa làm, học lên bậc THPT. Có rất nhiều mô hình trường phù hợp năng lực của mỗi em để phát triển bản thân. “Tuổi ấy cần có nhiều phương án để dẫn dắt các em vào đời chứ không phải chỉ có một cửa học lên THPT. Việc phụ huynh đại trà muốn con đi học THPT mà không theo học các mô hình trường học khác mới chính là bất cập” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Không chiều theo cái sai của phụ huynh nhưng cũng không bỏ quên chất lượng giáo dục tại các trường
Qua tìm hiểm cho thấy phụ huynh tìm cách để con theo học bậc THPT và không muốn học trường ngoài công lập, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc này, xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó việc nhiều phụ huynh không yên tâm vào các mô hình trường nghề. Cũng có trường hợp phụ huynh có quan điểm học kém mới vào tư thục nên không muốn con theo học. Trong khi nhiều chuyên gia được hỏi cho rằng, trong tuyển sinh lớp 10 cần đảm bảo phân luồng học sinh. Hà Nội cần phân luồng để có nhiều hướng ra cho học sinh sau khi hết bậc THCS.
Được biết, năm nay Hà Nội đã chủ động phân luồng, cụ thể có gần 30.000 học sinh sẽ vào học các trường tư thục, trường công lập tự chủ, chiếm tỷ lệ 23,2%; Có khoảng 7,7% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 học trung tâm giáo dục thường xuyên và 13,4% vào học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Đông nhất có khoảng 72.000 học sinh vào các trường THPT công lập.
“Chúng không thể chạy theo cái sai để giải quyết. Việc phân luồng sau bậc THCS cần được tôn trọng. Học sinh không thể học 100% ở công lập và cũng không thể 100% em tốt nghiệp THCS lên theo học bậc THPT. Các em cần được phân luồng phù hợp với năng lực của mình. Theo đó, sẽ có nhiều em đi học nghề, vừa học vừa làm” - thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh khi được hỏi vì sao không thích con học nghề thì họ cho rằng họ chưa yên tâm. Bởi, các trường nghề chưa được quan tâm nhiều. Cơ sở vật chất, hệ thống giáo viên và môi trường sư phạm chưa chuẩn mực. “Tôi biết, học nghề cũng là một lựa chọn đúng đắn nếu con cái không có khả năng theo học văn hóa. Nhưng các trường nghề hiện nay chưa được đầu tư tương xứng vì thế tôi không yên tâm gửi gắm tương lai của con vào trường nghề” – anh Nguyễn Trọng Văn ở Hà Đông tâm sự.
Qua trao đổi với chuyên gia và phụ huynh có thể thấy vấn đề phân luồng học sinh sau bậc THCS cần được thực hiện nghiêm túc. Cần đầu tư cho hệ thống trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên hơn nữa để phụ huynh yên tâm gửi con em theo học. Vì đây là hai mô hình giáo dục có nhiều điểm ưu việt, phù hợp với thời đại mới.
Hà Nội không thiếu chỗ học
Về hình ảnh phụ huynh Hà Nội vạ vật, chen chúc giành suất học cho con đang lan truyền trên mạng xã hội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học. “Xin khẳng định rằng ở địa bàn Hà Nội, chỗ học không thiếu. Chỉ có điều, có thể có tình trạng một số trường có uy tín đào tạo tốt nên phụ huynh tin tưởng gửi gắm và xếp hàng từ rất sớm để mong muốn con có 1 suất vào trường. Đến khi công bố không được nên họ bức xúc” – ông Trần Thế Cương nói.