Bất cập từ hệ thống thoát nước tại Khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng

Nhiều năm qua, Khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh phải chịu cảnh ngập lụt nghiêm trọng mỗi khi mùa mưa tới, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Mặc dù chính quyền và người dân địa phương nhiều lần phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, khắc phục…

 Miệng cống ngầm đi qua Cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp nặng, dẫn đến ngập lụt khu dân cư Khu phố An Đức 3 mỗi khi trời mưa

Miệng cống ngầm đi qua Cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp nặng, dẫn đến ngập lụt khu dân cư Khu phố An Đức 3 mỗi khi trời mưa

Ông Nguyễn Văn Khoa (52 tuổi), Khu phố trưởng Khu phố An Đức 3 cho biết, khu phố hiện có 197 hộ với 720 nhân khẩu. Ông Khoa làm Khu phố trưởng từ năm 2004 đến nay. Theo ông Khoa, trước đây khi chưa có Cảng cá Cửa Tùng thì nước từ hệ thống cống thoát nước của khu phố đổ thẳng ra sông nên không bao giờ xảy ra tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên, từ khi Cảng cá Cửa Tùng được xây dựng vào năm 2004 và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2007 đến nay, chỉ cần có một trận mưa lớn là khu dân cư Khu phố An Đức 3, đoạn giáp với cảng cá bị ngập lụt nghiêm trọng.

Dẫn chúng tôi xem hệ thống cống thoát nước của khu phố, ông Khoa nói: “Khu phố An Đức 3 có địa thế thấp nhất thị trấn Cửa Tùng nên nguồn nước sinh hoạt, nước thải cũng vì thế mà theo hệ thống cống thoát nước đổ về đây. Đoạn cuối của hệ thống cống thoát nước lộ thiên của Khu phố An Đức 3 giao nhau với một cống ngầm đi qua Cảng cá Cửa Tùng. Vì ống cống ngầm của cảng cá quá hẹp, trong khi lượng nước của cả thị trấn đổ về lớn nên mỗi khi trời mưa, nước thoát không kịp”. Cũng theo ông Khoa, qua thời gian dài sử dụng, đất cát lắng tụ nên dần dần miệng cống ngầm qua cảng cá bị bồi lấp, vì thế, ống cống ngày càng bị thu hẹp. “Những lúc mưa dài ngày thì nước ngập dâng cao đến hơn 1 mét. Năm nào vào mùa mưa, chúng tôi cũng phải di tản người dân vào trú tạm trong nhà văn hóa khu phố và những nơi cao ráo cho an toàn, các em học sinh vào trời mưa cũng phải nghỉ học vì nước dâng cao ngập lối đi, rất nguy hiểm. Có năm chúng tôi phải dùng thuyền để di tản người dân đến nơi cao ráo, an toàn hơn”, ông Khoa cho biết thêm.

Nhà bà Nguyễn Thị Nho (54 tuổi) nằm ở cuối nguồn của hệ thống cống thoát nước Khu phố An Đức 3. Gia đình bà có 8 người thì 6 người là trẻ nhỏ. Dẫn chúng tôi ra phía trước nhà, chỉ tay vào đoạn giao nhau giữa cống lộ thiên của khu phố và miệng cống ngầm của cảng cá, bà Nho nói: “Nhà tôi ở đây đã hơn 20 năm rồi. Lúc trước, mặc dù ở gần cửa sông nhưng không có năm nào nhà tôi bị ngập nước cả. Nước từ trên kia đổ về theo hệ thống cống thoát nước của khu phố rồi chảy thẳng ra sông. Từ khi cảng cá được xây dựng và đưa vào hoạt động đến nay thì nhà tôi thường xuyên bị ngập lụt. Chỉ cần một cơn mưa to thôi là nước từ cống tràn vào nhà. Còn mưa dài ngày thì nước dâng lên tận cửa sổ, tức là cao hơn 1 mét. Những lúc ấy, chúng tôi phải lội bì bõm, thậm chí là chèo thuyền để di chuyển, con cháu tôi phải nghỉ học vì đường sá xung quanh đều bị ngập sâu, rất nguy hiểm”.

Qua quan sát, hệ thống cống lộ thiên của Khu phố An Đức 3 được xây dạng cống hộp vuông, trong khi hệ thống cống thoát nước của cảng cá được thiết kế dạng ống bê tông tròn và đi ngầm dưới lòng đất. Tại nơi giao nhau giữa cống thoát nước của khu phố và cống ngầm của cảng cá đã bị đất cát bồi lấp khá nhiều, rác thải cũng tích tụ về đây. Miệng cống ngầm của cảng cá có đường kính chưa đầy 1 mét, đã bị đất cát bồi lấp gần hết nên nước chảy rất yếu. Cách miệng cống ngầm vài mét, có một hố ga không có nắp đậy, khi nhìn vào đó thì thấy ngay ống cống ngầm đã bị bồi lấp hoàn toàn. Vì vậy, mỗi khi có mưa lớn, với lượng nước của cả thị trấn dồn về một cống ngầm vừa nhỏ vừa bị tắc, thì ngập lụt xảy ra là điều tất yếu.

Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng Nguyễn Văn Phú cho biết, tại khu vực phía Tây Cảng cá Cửa Tùng, khu dân cư thuộc Khu phố An Đức 3 thường xuyên bị ngập lụt cục bộ khi mùa mưa đến. Lượng nước nơi đây có lúc dâng cao trên 1 mét làm cho các hoạt động, sinh hoạt của người dân trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc đi lại, học hành của các em học sinh, nguy cơ xảy ra đuối nước rất lớn. “Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Trước thực tế đó, UBND thị trấn đã tổ chức lực lượng thường xuyên nạo vét, khơi thông cống rãnh và phối hợp với Ban quản lí cảng cá xử lí khi có tình huống khẩn cấp xảy ra nhưng không thể khắc phục triệt để. Người dân và thị trấn đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền, ban, ngành các cấp quan tâm nghiên cứu xây dựng, mở rộng hệ thống cống thoát nước, khắc phục tình trạng ngập úng, đảm bảo sinh hoạt, an toàn cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Phú nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết: “Cảng cá Cửa Tùng do Sở Thủy sản (cũ) làm chủ đầu tư xây dựng. Sau khi nhận được phản ánh từ chính quyền địa phương, đơn vị đã kiểm tra thực tế tại hiện trường và nhận thấy hệ thống tiêu và các cống thoát nước trong khu vực do địa phương quản lí cũng như qua khu vực cảng cá chưa đủ khả năng tiêu thoát, cộng với hiện trạng thường xuyên bị bồi lấp rác, bùn cát ở cửa vào, cửa ra và trong hệ thống tiêu thoát nước dẫn đến việc khi trời mưa to, nước mưa không thoát kịp, gây ngập úng khu dân cư thuộc Khu phố An Đức 3”. Về giải pháp khắc phục, ông Hòe cho hay, trước mắt, UBND thị trấn Cửa Tùng cần phối hợp với UBND xã Vĩnh Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí lực lượng thường xuyên tổ chức nạo vét bùn cát bồi lấp ở cửa vào, ra cống thoát nước trong khu vực, đặc biệt lưu ý đến việc nạo vét tuyến kênh tưới tiêu kết hợp lấy nước từ giếng Mội tưới cho vùng đồng ruộng Di Loan, xã Vĩnh Giang nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của công trình, tăng khả năng tiêu thoát nước vào mùa mưa lũ cho khu vực dân cư thuộc Khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng; đồng thời, chính quyền địa phương cần chủ động tìm kiếm nguồn vốn phù hợp để đầu tư mở rộng hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực do địa phương quản lí. Đối với hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực cảng cá, Ban quản lí cảng cá cần tăng cường công tác quản lí công trình sau đầu tư, thực hiện nạo vét khơi thông dòng chảy đảm bảo cho công trình hoạt động đúng năng lực thiết kế. Ông Hòe cho biết thêm: “Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thị trấn Cửa Tùng đầu tư xây dựng thêm một hệ thống cống, rãnh thoát nước từ nguồn vốn đền bù sự cố ô nhiễm môi trường biển nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước cho khu vực”.

Tình trạng ngập lụt ở Khu phố An Đức 3 mỗi khi mùa mưa tới đã diễn ra từ nhiều năm qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Vì thế, người dân nơi đây đang rất mong chờ UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Vĩnh Linh sớm có chính sách quan tâm, hỗ trợ khắc phục tình trạng trên.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=142542