Bất chấp cấm vận, hàng Mỹ vẫn đầy rẫy ở Iran
Coca-cola, sốt cà chua Heinz, sốt Tabasco... Tất cả những sản phẩm của Mỹ này dễ dàng tìm thấy ở Iran cho dù Mỹ đang thắt chặt trừng phạt quốc gia Hồi giáo này.
Bất kể là nhà hàng cao cấp hay cửa hiệu tạp hóa bình thường, các sản phẩm hàng hóa Mỹ như Coca-Cola và Pepsi không phải là khan hiếm ở Iran.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến dầu mỏ và các ngành công nghiệp chính khác của quốc gia 80 triệu dân. Nhưng hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết phim, nhạc, thực phẩm và thời trang phương Tây vẫn phổ biến rộng rãi ở Iran, đặc biệt là giới trẻ của quốc gia này.
Một sinh viên tên Ahmad Rezaee tại Đại học Tehran chia sẻ: “Phong cách Mỹ thực sự cuốn hút. Coca-Cola là đại diện của phong cách này đối với chúng tôi”.
Uống Coca-Cola hoặc Pepsi sau khi ăn kebab tại Iran là điều khá phổ biến. Cả hai nhãn hiệu nước ngọt có gas này đều do các công ty Iran đóng chai trong nước.
Coca-Cola chiếm tới 28% thị phần tại Iran, trong khi Pepsi nắm giữ 20%. Đại diện của Coca-Cola khẳng định đã kinh doanh tại thị trường Iran trong hơn 20 năm và tuân thủ theo lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đại diện của công ty Kraft Heinz trong khi đó thừa nhận: “Giống như nhiều công ty phương Tây khác, một số ít những sản phẩm của chúng tôi được các nhà phân phối Iran kinh doanh”.
Ngoài ra, đại diện của công ty The McIlhenny Co. of Avery Island – nhà sản xuất sốt Tabasco nói rằng đã cấm các nhà phân phối tái buôn bán Tabasco tại Iran.
Trong quán cà phê gần Đại học Tehra, sinh viên 21 tuổi Sima Najafzadeh vừa uống Coca-Cola vừa chia sẻ với AP là cậu muốn iPhone, cửa hàng thức ăn nhanh McDonald và nhiều hãng khác của Mỹ xuất hiện ở Iran.
Kênh truyền hình nhà nước Iran cũng chiếu các bộ phim cũ của Mỹ. Gần đây, bộ phim “Tần số bí ẩn” từ năm 2000 của đạo diễn Gregory Hoblit cũng được phát sóng.
Những người dân Iran không có mạng internet khỏe tại nhà có thể ra con phố Enghelab của Tehra và chi 40 xu để mua đĩa phim mới của Hollywood. Nhạc phương Tây cũng thỉnh thoảng phát ra từ radio trên xe ô tô lưu thông trên đường.
Tại khu chợ trung tâm Tehra – “trái tim” của thủ đô, nhiều chiếc quần bò màu xanh được bày bán. Tuy nhiên, quần bò thương hiệu Levi Strauss không còn trên kệ trong những tháng gần đây khi giá đồng nội tệ Iran sụt giảm. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương chuyên sản xuất quần bò như Par Group.
Tại khu thương mại lớn ở thủ đô mang tên Iran Mall, một cửa hàng có tên TOMSon còn bán sản phẩm từa tựa giày của hãng Toms (Mỹ).