Bất chấp để nổi tiếng
Tạo dáng trên đường băng khi máy bay đang di chuyển, nhảy múa ngay cửa lên máy bay, ngồi lên băng chuyền hành lý… chỉ là 3 trong vô số những clip được đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội thời gian qua. Chủ nhân của những clip, hình ảnh này đáng tiếc đều là người trẻ.
Hầu hết các trường hợp nói trên đều đã và đang được rà soát để xác định mức độ vi phạm và có hình thức xử lý phù hợp. Không biết những đoạn clip kia sau khi được đăng tải lên các mạng xã hội sẽ thu hút được bao nhiêu lượt xem, bình luận, nhưng ngay sau những hành động cố tình làm nổi đó đã nhận chỉ trích cực kỳ gay gắt từ công chúng, các đoạn clip đã bị gỡ bỏ. Thế nhưng, phản ứng của cộng đồng mạng vẫn chưa dừng lại ở đó. Nhiều người bày tỏ quan điểm phải phạt thật nặng, không chỉ về hành chính mà có thể cấm bay trong một thời gian để làm gương và có sức răn đe.
Khi mạng xã hội bùng nổ với rất nhiều nền tảng từ Facebook, Instagram, Twitter, YouTube và mới nhất là TikTok, cũng đồng thời cho ra đời một thế hệ những người ham thích tìm kiếm sự nổi tiếng thông qua các công cụ mạng xã hội này. Xu hướng này trước hết xuất phát từ nhu cầu giải trí của công chúng, luôn muốn tìm kiếm cái mới, nổi bật và kéo theo đó là những Facebooker, YouTuber, Tiktoker sẵn sàng làm tất cả để thu hút người xem, từ đó có được sự nổi tiếng đi kèm với các lợi ích kinh tế. Và trong cuộc cạnh tranh để thu hút lượt xem, lượng người theo dõi, không ít người đã sẵn sàng làm cả những việc ngông cuồng, kỳ lạ nhất. Đặc biệt, khi TikTok trở thành nền tảng xem video hot nhất hiện nay, mức độ cạnh tranh là vô cùng khốc liệt.
Tình trạng các clip nhảm, phản cảm xuất hiện ngày càng dày đặc trên TikTok trước hết là bởi từ việc tham gia, xây dựng clip và tạo xu hướng có phần dễ dàng hơn so với các mạng xã hội khác. Phát ngôn gây sốc, xúi giục làm bậy, ăn mặc hở hang, hành động bất chấp nguy hại… là vô số những chiêu trò đang diễn ra. Mục tiêu cuối cùng của họ là sản phẩm của mình được chú ý, lọt vào xu hướng thịnh hành. Khi đó, họ đồng thời vừa được thỏa mãn cái tôi, vừa kiếm danh và cả kiếm tiền từ chính người sử dụng. Chưa bao giờ, con đường đến với sự nổi tiếng lại bị “tầm thường hóa” như hiện nay, tạo ra một thế hệ Idol (thần tượng) tưởng là ảo nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực thật, đặc biệt đến giới trẻ.
Quản lý các nội dung trên mạng xã hội từng được bàn đến rất nhiều nhưng là vấn đề bất khả bởi số lượng gần như vô hạn. Số lượng các clip bị báo cáo vi phạm, buộc gỡ bỏ cũng không đáng là bao. Khi còn thấy nguồn lợi, việc bất chấp thực hiện và đăng tải những clip độc hại như này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn. Có lẽ, cách duy nhất để hạn chế là áp dụng 3 không: không xem, không nghe, không thấy. Khi đó, các clip này sẽ hiển nhiên bị chìm nghỉm, nhường chỗ cho các clip có nội dung nhân văn, thiết thực, trở thành xu hướng thịnh hành.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//bat-chap-de-noi-tieng-830192.html