Bất chấp đề xuất thay thế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ S-400

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tái khẳng định lập trường sẽ không chấp nhận đề xuất từ các nước khác về việc từ bỏ sử dụng hệ thống tên lửa phòng không S-400 đã mua của Nga.

 Bất chấp những đề xuất thay thế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không từ bỏ S-400.

Bất chấp những đề xuất thay thế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ không từ bỏ S-400.

"S-400 sẽ nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi 100%. Chúng tôi đã cử nhiều kỹ thuật viên đi đào tạo. Sẽ không có quân nhân Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ", kênh truyền hình TRT Haber dẫn tuyên bố của ông Cavusoglu.

"Nhưng đồng thời, chúng tôi không thể chấp nhận đề xuất từ quốc gia khác rằng chúng tôi không nên sử dụng S-400", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh thêm.

Tuyên bố của ông Cavusoglu được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman mới đây cho biết Washington đã đưa ra "các lựa chọn thay thế" cho Thổ Nhĩ Kỳ để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này liên quan đến việc mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất.

"Chúng tôi đã đưa ra các lựa chọn thay thế cho Thổ Nhĩ Kỳ, họ biết chính xác phải làm gì nếu muốn thoát khỏi các lệnh trừng phạt này", bà Sherman nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN Turk.

"Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể tìm thấy một con đường phía trước", nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh thêm. Tuyên bố của bà Sherman được đưa ra khi bà đến thăm Ankara hồi tuần trước.

Cho tới nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn khẳng định sẽ không xem xét việc loại bỏ hệ thống S-400 vì đây là một thỏa thuận đã được thực hiện. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa kích hoạt hoàn toàn hệ thống này nhằm ngăn chặn bất kỳ leo thang nào với Washington.

Thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD được giới chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết vào tháng 12/2017.

Trước đó, tại thời điểm cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng Syria có những diễn biến đe dọa an ninh khu vực biên giới phía Nam, Thổ Nhĩ Kỳ đã tính đến nhu cầu mua hệ thống phòng không “rồng lửa” Patriot hiện đại nhất nhì thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, mức giá mà Washington đưa ra bị Ankara cho là quá đắt đỏ. Đến năm 2017, khi được Nga đề nghị cung cấp hệ thống S-400 với một mức giá được coi là hợp lý, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận thỏa thuận này.

Nga hoàn tất bàn giao loạt vũ khí này cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1/2020. Ankara tiến hành đợt bắn thử đầu tiên vào tháng 10/2020 và tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm S-400 mà "không cần xin phép Washington".

Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng, cho rằng S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ NATO và đe dọa tiêm kích tàng hình F-35. Để trừng phạt hợp đồng S-400, Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35.

Chính quyền cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cuối năm ngoái áp lệnh cấm vận nhằm vào Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (SSB) thuộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA). Những biện pháp trừng phạt gồm cấm mọi giấy phép xuất khẩu của Mỹ cho SSB, đóng băng tài sản và hạn chế đi lại với chủ tịch SSB Ismail Demir cùng nhiều quan chức khác.

Tuy nhiên, cho tới nay Ankara vẫn từ chối nhượng bộ và tiếp tục đàm phán để mua thêm một lô S-400 nữa.

Minh Đăng

Theo Sputnik

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bat-chap-de-xuat-thay-the-cua-my-tho-nhi-ky-nhat-quyet-khong-tu-bo-s-400-20180504224253820.htm