Bất chấp đỉnh dịch, chứng khoán tiếp tục thăng hoa
Bất chấp các đỉnh dịch, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Dù nhiều phiên nhà đầu tư thủng túi, thị trường đỏ rực lao dốc, tuy nhiên, đến những ngày cuối năm 2021, đa số những người tham gia TTCK đều có thể mỉm cười vì danh mục đầu tư không lãi nhiều cũng lãi đôi chút.
Loạt kỷ lục được xác lập
Mặc dù nền kinh tế trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 mạnh, nhưng giới đầu tư chứng khoán Việt lại chứng kiến chỉ số VN-Index chinh phục ngưỡng 1.500 điểm - cao nhất mọi thời đại. Từ đầu năm 2021 đến nay, VN-Index tăng hơn 34% so với năm trước, top thị trường mang lại tỷ suất sinh lời cao bậc nhất thế giới. Với mức tăng trưởng 34%, VN-Index thậm chí nằm trong top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.
Vốn hóa của HOSE tính đến ngày 25/11 đã vượt 5,791 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 252 tỷ USD. HOSE đã dần lớn mạnh với thanh khoản ổn định trên 30.000 tỷ đồng, mỗi phiên giao dịch hàng tỷ cổ phiếu sánh ngang với các thị trường trong khu vực. Thanh khoản bình quân trên sàn HOSE năm 2021 đạt 21.900 tỷ đồng/phiên, tăng 254% so với năm 2020, nếu so với năm 2019 thì thanh khoản của HOSE còn tăng gấp hơn 5 lần.
Thanh khoản nhiều phiên lập kỷ lục với giá trị khớp lệnh trên 52.000 tỷ đồng. Dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường.
Năm 2021 cũng là năm số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường lập kỷ lục. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước mở mới 220.817 tài khoản chứng khoán. Đây là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, bỏ xa kỷ lục cũ 140.193 tài khoản được thiết lập vào tháng 6/2021. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước duy trì ở mức trên 100.000 mỗi tháng và là tháng đầu tiên có trên 200.000 tài khoản được mở mới.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng kỷ lục, cán mốc 333 tỷ USD. Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là quy mô thị trường cổ phiếu đạt 85% GDP (đã điều chỉnh) vào năm 2025, đạt 110% GDP vào năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số vào năm 2025 và 8% năm 2030.
Nguyên nhân khiến TTCK thăng hoa bất chấp các đỉnh dịch, theo ông Linh Phan - CEO Công ty Take Profit là do mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp, người dân đổ tiền tìm kênh đầu tư khác. Và chứng khoán là một gợi ý không tồi.
Ngoài ra, DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Dòng tiền theo đó chuyển từ sản xuất, kinh doanh sang TTCK. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn từ các DN niêm yết vượt khó, đạt mức tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cũng là một nguyên nhân khiến TTCK lên đỉnh năm 2021.
Tại Báo cáo triển vọng chứng khoán năm 2022, các chuyên gia của của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (MAS) kỳ vọng, tăng trưởng EPS (lợi nhuận sau thuế của cổ phiếu) cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của TTCK.
Các động lực thúc đẩy thị trường là sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của DN. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ tiếp tục chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, và thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục dồi dào; mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.
Ngoài ra, thoái vốn Nhà nước được thúc đẩy và triển vọng được nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi và các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Năm 2022, VN-Index sẽ lên mức 1.700 điểm?
Theo nhận định của các chuyên gia, hệ thống giao dịch mới của HOSE được chính thức đưa vào vận hành kể từ tháng 7/2021 đã giúp dỡ bỏ “điểm nghẽn” về thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là thanh khoản trên thị trường khó có thể ghi nhận một mức tăng bùng nổ như trong giai đoạn nửa cuối năm 2021. Dù vậy, xu hướng tăng trưởng về thanh khoản sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022.
Ông Lê Quang Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset dự đoán, VN-Index năm 2022 đạt khoảng 1,700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2022. Khi tỷ lệ tiêm vaccine kỳ vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm “sống chung với Covid" của các tháng trước đó, theo ước tính GDP 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7 - 6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công.
Các động lực tăng trưởng chính bao gồm dòng vốn FDI kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; đầu tư công đượcđẩy mạnh; xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số Chính phủ và DN đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng hơn 84 nghìn tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới trong năm 2021. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới của cá nhân trong nước duy trì trên mức 100 nghìn tài khoản/tháng thì nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường.
Còn phía VCBS thì cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên. Năm 2022, chỉ số VN-Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 - 1.600, tương đương với mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh của năm 2021.
TTCK nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn - nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Dù kỳ vọng dòng vốn từ các nhà đầu tư nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022 nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021 và sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.
VCBS cũng cho rằng sẽ có sự phân hóa giữa các cổ phiếu - vốn đã bắt đầu trong quý 4/2021 - sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết - dựa trên kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh “bình thường mới” của từng DN cụ thể.
VCBS cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao trong năm 2022 với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, dù xu hướng chung vẫn là đi lên.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bat-chap-dinh-dich-chung-khoan-tiep-tuc-thang-hoa-444690.html