Bất chấp khuyến cáo, dân nườm nượp đến chùa dâng sao
Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, Thủ tướng có công điện yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ… tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, thờ tự. Tuy nhiên, nhiều chùa vẫn đông nghịt người đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn dưới tên gọi lễ cầu an.
Nộp tiền đăng ký làm lễ giải hạn
Nửa đầu tháng Giêng, chùa khắp miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội tấp nập hơn cả bởi số lượng lớn người dân đến đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn. Theo ghi nhận của phóng viên, từ sớm ngày 19/2 (mồng 10 tháng Giêng), tại chùa Phúc Khánh (tổ đình Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội) - ngôi chùa nổi tiếng thiêng trong việc “giải hạn” - rất đông người xếp hàng đăng ký khóa lễ cầu an, dâng sao giải hạn. Chị Hoàng Thị Liên (37 tuổi, Hà Nội) cho biết, dù tên gọi thay đổi nhưng bản chất của khóa lễ này tương tự như lễ dâng sao giải hạn hằng năm. “Mọi năm, tôi đều đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn cho gia đình. Năm nay, gia đình tôi có hai thành viên bị sao xấu chiếu mệnh cần đóng 450.000 đồng cho nhà chùa để làm lễ. Gia đình chúng tôi sẽ tham gia khóa lễ vào ngày 14 tháng Giêng tại chùa”, chị Liên nói.
Người dân có nhu cầu tham gia khóa lễ cầu an sẽ được phát giấy đăng ký để khai báo tên, địa chỉ nơi ở và tuổi để xác định vận hạn trong năm. Sau khi điền thông tin đăng ký, du khách sẽ nộp lại cho chùa và nghe tư vấn để đóng tiền “giải hạn”. Mỗi người tham gia lễ giải hạn sẽ nộp 150.000-200.000 đồng/ người.
Theo thông báo của chùa Phúc Khánh, các khóa lễ cầu an được cử hành lúc 19h từ mồng 6 đến 15 tháng Giêng. Người dân khi đăng ký khóa lễ nhận được thông báo hoan hỷ đến vào ngày được ghi trong phiếu để dự lễ, sớ của người dân đã được nhà chùa dâng lên Tam Bảo.
Sau rằm tháng Giêng, nhà chùa tiếp tục nhận đăng ký cầu bình an, cầu siêu. Từ tháng 2 âm lịch trở đi, các khóa lễ được tổ chức như thường niên: 20h tối mồng 8 âm lịch hằng tháng là khóa lễ cầu an giải sao La Hầu, 20h tối 15 giải sao Thái Bạch, 20h tối 18 giải sao Kế Đô.
Bất chấp lệnh cấm
Tình trạng đăng ký làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn ở các chùa nhỏ trong khu dân cư cũng tấp nập không kém. Năm nay, đa phần các chùa không để tên lễ dâng sao giải hạn mà gọi chung là lễ cầu an. Thực tế, hình thức và cách tổ chức không khác lễ dâng sao giải hạn mà chỉ khác tên gọi.
Nhiều người dân khi được hỏi về yêu cầu không làm lễ dâng sao giải hạn đều tỏ vẻ không biết. Một số người nói rằng, đây là việc làm thường xuyên nên không chú ý về thông tin này. Một số khác cho rằng, nhà chùa thông báo làm lễ cầu an, gia đình đi chùa chiêm bái bắt gặp nên đăng ký. Với họ, trong dịp đầu năm mới, điều mong cầu lớn nhất là gia đình bình an, hạnh phúc, không gặp chuyện xui xẻo, tai ương.
“Giải hạn” online
Lướt một vòng mạng xã hội với từ khóa dâng sao giải hạn, không khó để thấy những bài đăng “mời gọi” làm lễ trực tuyến. Thủ tục đăng ký đơn giản, không mất thời gian di chuyển khiến nhiều người nhận lời. Người dân chỉ cần gửi thông tin, chuyển khoản cho chủ đền, chủ điện là phần lễ cơ bản được thực hiện. Đa phần các lời mời gọi đều nhấn mạnh việc dâng sớ về các cung, các cửa nhằm cầu xin toàn gia bình an, sức khỏe dồi dào, hạn ách tiêu trừ.
Nhiều người quan niệm, với khoản tiền vài trăm nghìn đồng để mua bình an trong một năm là chấp nhận được. “Với gia đình tôi, việc làm lễ cầu bình an, giải hạn như một tục lệ trong dịp năm mới. Gia đình tôi đông người, hầu như năm nào cũng có thành viên bị sao xấu chiếu mệnh. Làm lễ xong mới thấy an lòng”, một vị khách đến đăng ký cầu an tâm sự.
Chị Nguyễn Mỹ Hòa (45 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm nay ứng theo bảng sao, gia đình chị không ai bị sao xấu chiếu mệnh nhưng chị vẫn làm lễ để cầu bình an cho gia đình. “Tôi đăng ký làm lễ như mọi năm dù gia đình không ai bị sao xấu chiếu mệnh. Việc làm lễ cũng chỉ mong gia đình luôn bình an, hạnh phúc, mạnh khỏe”, chị Hòa chia sẻ.
Theo quan niệm dân gian, lễ dâng sao giải hạn đầu năm vào rằm tháng Giêng là tốt nhất, bởi mọi tai ách, mọi sự xui xẻo phải được giải trừ ngay từ đầu năm thì suốt cả năm mới yên tâm, vui vẻ và hạnh phúc. Thực tế, tục dâng sao giải hạn có nguồn gốc Trung Quốc, xuất phát từ niềm tin rằng mỗi năm con người có một vì sao chiếu mệnh. Có tất cả chín sao gồm Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, Thái Dương, Thái Âm là sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu, khiến con người gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật.
Đến nay, chưa một nhà thiên văn học nào chứng minh có sự xuất hiện của chín ngôi sao ấy trên bầu trời. Do đó, việc dâng sao giải hạn chỉ mang ý nghĩa tâm linh, đem lại sự an tâm cho người làm lễ. Tuy nhiên, các nhà quản lý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều lần lên tiếng khuyến cáo, người dân không nên mê muội đổ xô dâng sao giải hạn, đặc biệt là những lễ giải hạn tiêu tốn cả chục triệu đồng.
Dâng sao giải hạn không có trong Phật giáo
GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng, tôn giáo khẳng định, hoạt động dâng sao giải hạn không có trong giáo lý Phật giáo. Vì vậy, việc người dân đổ xô đi làm lễ dâng sao giải sẽ được coi là mê tín dị đoan. “Lễ dâng sao giải hạn ngày càng lan rộng trong xã hội là do sự thiếu hiểu biết của người dân về tôn giáo và sự biến tướng về ý nghĩa của lễ hội trong xã hội. Thực tế việc dâng sao giải hạn không mang lại lợi ích thực tế mà chỉ gây lãng phí tiền bạc”, GS. Trần Lâm Biền cho biết.