Bất chấp lệnh cấm vận, nhiều nước EU vẫn muốn mua dầu Nga

Gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, dự kiến có hiệu lực vào ngày 5-12 tới. Nhiều nước hiện đang nỗ lực tích trữ dầu Nga trước khi có lệnh cấm có hiệu lực, hoặc thậm chí tuyên bố vẫn mua dầu Nga bất chấp lệnh cấm.

Hệ thống đường ống dẫn khí của Nga. Ảnh: TASS

Hệ thống đường ống dẫn khí của Nga. Ảnh: TASS

Các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với xuất khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển có hiệu lực kể từ ngày 5-12 tới và là một phần quan trọng trong nỗ lực của khối nhằm cắt giảm nguồn thu hàng tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Hồi tháng 8, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sản lượng dầu Nga giảm 20% từ đầu năm sau do lệnh cấm này. Cụ thể, khoảng 1 triệu thùng sản phẩm từ dầu và 1,3 triệu thùng dầu thô Nga mỗi ngày sẽ phải tìm điểm đến mới.

EU gấp rút tích trữ dầu diesel

Hãng Reuters đưa tin các thương nhân châu Âu đang tăng cường mua dầu diesel từ Nga trước khi lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Moscow. Trích dẫn dữ liệu từ trang web theo dõi tàu chở hàng Vortexa, hãng tin trên cho biết số lượng chuyến hàng dầu diesel của Nga đến khu vực lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) đã tăng lên 215.000 thùng mỗi ngày từ ngày 1-11 đến ngày 12-11. Ông Pamela Munger, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Vortexa cho biết đây là mức tăng 126% so với tháng 10.
Hơn nữa, theo dữ liệu của công ty Refinitiv, trong tháng 11, dầu diesel của Nga chiếm 44% lượng nhiên liệu nhập khẩu của khối EU, tăng lên so với 39% của tháng trước. Điều này có nghĩa là Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất trong khu vực, mặc dù thực tế là tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu của Nga sang EU đã giảm đáng kể trong những tháng qua do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Giới phân tích cảnh báo, một khi lệnh cấm có hiệu lực, EU sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn diesel thay thế, vì mặt hàng đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, trong khi sản xuất dầu diesel nội địa của châu Âu không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của khu vực này. "EU sẽ phải đảm bảo khoảng 500.000 đến 600.000 thùng dầu diesel mỗi ngày để thay thế nguồn của Nga. Các nguồn thay thế sẽ đến từ Mỹ cũng như phía Đông Suez, chủ yếu là Trung Đông và Ấn Độ", nhà phân tích thị trường Eugene Lindell tại công ty tư vấn năng lượng FGE nói với Reuters.

Tiếp tục mua dầu Nga

Đức vừa lên tiếng cảnh báo nước này có nguy cơ thiếu dầu khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU có hiệu lực. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự gián đoạn mà cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu tiếp tục tàn phá nền kinh tế lớn nhất lục địa này. Nhằm ứng phó trước tình hình hiện tại, Chính phủ Đức đã đề cập chi tiết các nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nhà máy lọc dầu khỏi việc nhập khẩu dầu của Nga, song cũng phải thừa nhận lệnh cấm vận có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế miền Đông nước Đức.
Ba lan hôm 18-11 tuyên bố tiếp tục mua dầu của Nga thông qua đường ống Druzhba vào năm 2023, bất chấp cam kết từ bỏ nhập khẩu dầu Nga theo lệnh trừng phạt của EU. Nhật báo Kommersant của Nga dẫn nguồn thạo tin từ Ba Lan cho biết Orlen - một trong những nhà bán lẻ và lọc dầu lớn ở Ba Lan - đã gửi hồ sơ dự thầu tới Tập đoàn dầu khí Transneft của Nga để nhập khẩu 3 triệu tấn dầu thông qua đường ống Druzhba vào năm 2023. Transneft đã xác nhận yêu cầu đặt hàng, nhưng không tiết lộ đơn đặt hàng của công ty nào và khối lượng đơn hàng là bao nhiêu.

Báo Kommersant chỉ ra rằng các hợp đồng dài hạn giữa Công ty dầu mỏ Ba Lan với Transneft vẫn còn hiệu lực. Nguồn tin lưu ý hôm 14-11, Bộ trưởng ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau cảnh báo Orlen có nguy cơ phải trả tiền phạt trong trường hợp đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Theo Kommersant, hiện tại, Orlen đã ngừng mua dầu của Nga trên thị trường giao ngay nhưng vẫn tiếp tục nhận dầu theo hợp đồng dài hạn với Tatneft (2,4 triệu tấn/năm đến năm 2024) và Rosneft (3,6 triệu tấn/năm). Hợp đồng với Rosneft đã được gia hạn thêm 2 năm vào tháng 3-2021 và dường như vẫn sẽ có hiệu lực trong tháng 1 và tháng 2-2023.

Trong khi đó, Anh vẫn đang tiếp tục mua dầu của Nga nhưng trên giấy tờ ghi nước nhập khẩu là các quốc gia khác. Theo The Sunday Times, Anh đã tiếp nhận 39 tàu chở dầu trị giá 200 triệu bảng Anh (khoảng 236 triệu USD) của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, trên hồ sơ ghi số lượng dầu này được phân loại nhập khẩu từ Ba Lan, Bỉ, Hà Lan và Latvia. Anh nhận tổng cộng lưu lượng dầu trị giá 778 triệu bảng Anh từ Nga tại các cảng của nước này kể từ tháng 3. Tờ The Sunday Times ghi nhận ít nhất 4 tàu chở khoảng một triệu thùng dầu của Nga đến cảng Immingham.

Theo quy định của Anh, Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) không tính hàng hóa theo quốc gia xuất xứ mà theo quốc gia gửi hàng. Quy định pháp lý và quy trình chuyển giao từ tàu này sang tàu khác khiến việc thực thi bất kỳ lệnh cấm đối với nhiên liệu của Nga không dễ. ONS báo cáo nhập khẩu dầu của Nga bằng 0 vào tháng 6, trong khi trên thực tế, thông tin của HM Revenue & Customs cho thấy London nhận hơn 78 triệu bảng Anh dầu của Nga trong tháng đó, và số dầu này được chuyển qua các nước châu Âu.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/bat-chap-lenh-cam-van-nhieu-nuoc-eu-van-muon-mua-dau-nga-post269861.html