Bất chấp thương chiến Mỹ - Trung, doanh nghiệp Mỹ quyết 'cố thủ' tại thị trường hơn một tỷ dân
Bỏ ngỏ lời kêu gọi ''trở về nhà'' của Tổng thống Trump, nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng của doanh nghiệp Mỹ. (Nguồn: Nguoiduatin)
Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt rủi ro tại thị trường Trung Quốc như nền kinh tế tăng trưởng chậm, cuộc chiến thương mại và cuộc biểu tình Hong Kong nhưng các công ty Mỹ vẫn đang tiến sâu vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Vẫn là thị trường tiềm năng
Năm 2018, Tesla đã xây dựng một nhà máy khổng lồ ở Thượng Hải nhằm khai thác thị trường lớn nhất thế giới về ô tô điện. Trang Reuters đưa tin, nhà máy có thể bắt đầu sản xuất sớm nhất ngay trong tháng này.
Theo số liệu từ Tập đoàn Rhodium, đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty Mỹ ở Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019. Đây là con số là cao hơn so với mức trung bình được ghi nhận trong sáu tháng đầu tiên của năm 2017. Theo nhận định của Rhodium, mức cao hơn này xuất phát từ sự đột biến trong lĩnh vực sản xuất ô tô, được thúc đẩy bởi dự án nhà máy của Tesla.
Trong những tuần gần đây, một số doanh nghiệp Mỹ cũng nhận được những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc. Điển hình như Công ty Thương mại điện tử PayPal đã được cấp giấy phép kinh doanh thanh toán kỹ thuật số tại Trung Quốc vào tháng trước. Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin, Tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu BlackRock đã nói chuyện với hãng công nghệ Trung Quốc Tencent về một hợp tác tiềm năng. Ngoài ra, công ty dịch vụ tài chính JPMorgan Chase đã giành chiến thắng trong một cuộc đấu giá vào tháng Tám, cho phép công ty này kiểm soát hoạt động kinh doanh quản lý tài sản của mình tại Trung Quốc.
Trang CNN Business nhận định, mối quan hệ giữa doanh nghiệp Mỹ và thị trường Trung Quốc không có gì bất ổn. Trung Quốc là thị trường hơn một tỷ dân và khách hàng của thị trường này là những khách hàng quen thuộc với các sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ.
Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải Ker Gibbs cho biết, trong một cuộc phỏng vấn với CNN Business rằng, doanh nghiệp Mỹ "vẫn rất quan tâm" tới thị trường Trung Quốc. "Hầu hết các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc đều không thấy việc rời khỏi thị trường này là một lựa chọn phù hợp'', ông Ker Gibbs nói.
Gần 77% các công ty tham gia cuộc khảo sát hàng năm của AmCham cho biết, họ đã kinh doanh thuận lợi ở Trung Quốc vào năm 2018. Gần một nửa số người được hỏi cũng cho biết, họ dự kiến sẽ đầu tư nhiều hơn vào quốc gia này trong năm 2019 và chỉ có một phần tư công ty cho rằng, họ sẽ rời bỏ thị trường hơn một tỷ dân.
Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon nói trong một cuộc phỏng vấn với trang Bloomberg rằng, 30 năm nữa, Trung Quốc sẽ là một quốc gia phát triển hoàn chỉnh. Nền kinh tế của nước này sẽ lớn tương đương như Mỹ. Vì vậy, các doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ gặt hái được nhiều ''chiến lợi phẩm'' khi tiếp tục kinh doanh tại thị trường này.
PayPal tìm đường vào hoạt động kinh doanh thanh toán kỹ thuật số khổng lồ của Trung Quốc. (Nguồn: CNN)
Chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington William Reinsch đã chỉ ra rằng, quy mô lớn của thị trường Bắc Kinh cũng chính là điều khiến nhiều doanh nghiệp Washington không thể bỏ qua. Ông William Reinsch nhận thấy, đối với các công ty đang muốn tìm kiếm thị trường thanh toán kỹ thuật số thì Trung Quốc là sự lựa chọn hoàn hảo. Chỉ cần một sự hiện diện nhỏ của công ty tại thị trường này cũng có thể ''thu hoạch'' được kết quả lớn.
Ông Reinsch đã chỉ ra ví dụ điển hình như Công ty Thương mại điện tử PayPal. ''Nếu Paypal không thể 'thống trị' được hơn 3% thị trường thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc, thì chỉ cần được 3% là đã có doanh thu rất lớn", ông Reinsch nói thêm.
Những thách thức ở Trung Quốc
Dù đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường hơn một tỷ dân thì doanh nghiệp Mỹ vẫn phải đối mặt với sự mạo hiểm tương đối lớn tại thị trường này. Suy thoái kinh tế Trung Quốc và cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ mang đến sự không chắc chắn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trong cuộc khảo sát của AmCham, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại cũng là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp Mỹ. Hơn 53% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ sẽ trì hoãn hoặc giảm đầu tư do hậu quả trực tiếp của căng thẳng thương mại.
Jeffrey Towson, Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh chỉ ra rằng, tại Trung Quốc, các công ty Mỹ về cơ bản đã trì hoãn đầu tư và lập kế hoạch dự phòng. Đối với các nhà sản xuất Mỹ, việc Tổng thống Trump áp thuế quan đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại là một lý do thích đáng để họ rời khỏi thị trường này. Nhiều người đã tìm đến những thị trường mới khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tăng, khiến quốc gia này trở thành một thị trường đắt đỏ so với trước đây.
Ông Jeffrey Towson cho biết, một số công ty lớn như Walmart và Tesla vẫn sẽ tiếp tục xây dựng nhiều cơ sở tại Trung Quốc. Nhưng những công ty khác, đặc biệt là những công ty vừa và nhỏ đã quyết định trì hoãn đầu tư.
"Việc trì hoãn này chỉ dừng lại khi Trung Quốc và Mỹ đạt được một thỏa thuận chung, thống nhất về cách họ sẽ kinh doanh, hoạt động tại thị trường của nhau. Đó là tín hiệu xấu cho kinh doanh và đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty Mỹ vào Trung Quốc'', Giáo sư Jeffrey Towson nói thêm.