Bất chấp trừng phạt từ Mỹ, Nga sẽ chiến đấu để bảo vệ nguồn khí đốt - 'vũ khí chủ chốt' trong cuộc đua năng lượng toàn cầu
Nguồn tài nguyên khí đốt khổng lồ ở Bắc Cực có thể nhanh chóng khiến Nga trở thành một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu không muốn phụ thuộc Moscow về nguồn năng lượng này.
Nguồn tài nguyên lớn
Trong tương lai, cốt lõi của chiến lược địa chính trị lấy hydrocarbon làm trung tâm của Nga là trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ ở Bắc Cực. Và trong khi căng thẳng toàn cầu vẫn ở mức cao sau chiến dịch quân sự của Moscow vào Ukraine (từ tháng 2/2022) và chiến sự Israel-Hamas (từ tháng 10/2023), nguồn năng lượng khẩn cấp quan trọng vẫn là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
LNG yêu cầu cơ sở hạ tầng ít hơn nhiều so với dầu hoặc khí được vận chuyển qua đường ống, do đó, nhìn chung giá sẽ rẻ hơn và thuận lợi hơn khi phát triển và mở rộng thị phần. Do đó, việc tăng hoặc giảm số lượng giao hàng trong thời gian rất ngắn theo yêu cầu của người mua cũng sẽ được đáp ứng nhanh hơn và chi phí rẻ hơn.
Nói tóm lại, sau khi nguồn cung cấp dầu và khí đốt khổng lồ của Nga bị trừng phạt vì xung đột ở Ukraine, LNG chắc chắn trở thành nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt của thế giới. Ngay từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, Moscow đã biết rằng, tầm quan trọng toàn cầu của LNG sẽ tăng lên đáng kể. Vì vậy, Điện Kremlin bắt đầu nghiêm túc việc mở rộng năng lực LNG.
Theo một số nguồn tin cấp cao trong lĩnh vực an ninh năng lượng của Mỹ và châu Âu, Trung Quốc cũng biết điều tương tự. Đây là lý do tại sao Bắc Kinh chốt các giao dịch LNG khổng lồ với Moscow và sau đó là Qatar ngay từ thời điểm 2014, đồng thời tăng gấp đôi các giao dịch này từ một năm trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine.
Không có gì ngạc nhiên khi chỉ hơn một tuần trước, Nga tuyên bố rằng họ sẽ làm mọi thứ có thể để chống lại các lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt đối với dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Moscow.
Theo một nguồn có liên quan đến chương trình trừng phạt Nga của Mỹ, mục đích của Washington trong việc đối phó với những mục tiêu sâu rộng của Moscow trong nguồn năng lượng toàn cầu là chặn đứng lợi ích của Moscow từ dự án LNG 2 Bắc Cực.
Oilprice phân tích: “Nga có nguồn tài nguyên khí đốt khổng lồ ở Bắc Cực, có thể nhanh chóng khiến nước này trở thành một trong những nhà cung cấp LNG hàng đầu trên thế giới. Do đó, Mỹ và nhiều nước khác không muốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Moscow như châu Âu đã từng làm với khí đốt và dầu mỏ của Nga”.
Một dấu hiệu từ lâu cho thấy, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi trọng việc mở rộng năng lực LNG của Nga như thế nào được thể hiện với dự án Yamal LNG (ban đầu có tên gọi là LNG 1 Bắc Cực). Đây là nỗ lực lớn đầu tiên nhằm sử dụng trữ lượng dầu khí khổng lồ ở Bắc Cực của xứ sở bạch dương.
Theo tính toán, khu vực Bắc Cực của Nga có trữ lượng khoảng hơn 35.700 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và hơn 2.300 triệu tấn dầu và khí ngưng tụ, phần lớn nằm ở bán đảo Yamal và Gydan, thuộc phía Nam của Biển Kara.
Trong vài năm tới, Nga chắc chắn sẽ mở rộng mạnh mẽ trong việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực này và xây dựng Tuyến đường biển phía Bắc (NSR) - tuyến đường ven biển băng qua Biển Kara - với tư cách là tuyến đường vận tải chính để giao thương hàng hóa năng lượng trên thị trường dầu khí toàn cầu, đặc biệt là đến Trung Quốc.
Nga tìm cách bảo vệ lợi ích
Trong bối cảnh này, ông Putin cũng coi dự án Yamal LNG vào thời điểm phát triển là quan trọng đối với lợi ích của Nga vì ba lý do chính.
Thứ nhất, đó là sự mở rộng thực tế của các thực thể Nga vào khu vực Bắc Cực, đánh dấu rõ ràng mục tiêu của nước này đối với nguồn tài nguyên tại đây.
Thứ hai, giới lãnh đạo Nga cho rằng vị thế siêu cường năng lượng - và đặc biệt là siêu cường của khí đốt - không được phản ánh qua vị thế của nước này trong lĩnh vực LNG.
Và thứ ba, LNG khi đó thậm chí còn là một phần quan trọng trong các kế hoạch đang diễn ra của Nga nhằm đảm bảo càng nhiều càng tốt phân khúc thị trường khí đốt châu Á – vốn đang phát triển nhanh chóng, nhằm củng cố các kế hoạch khí đốt qua đường ống của nước này.
Đó là quyết tâm của Điện Kremlin trong việc tiếp tục các dự án khí đốt ở Bắc Cực. Nhiều thực thể khác nhau của Nga đã được tham gia vào khoảng thời gian Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt năm 2014 để tài trợ cho các phần quan trọng của dự án Yamal LNG.
Ví dụ, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga đã thành lập một quỹ đầu tư chung với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản do nhà nước điều hành, mỗi bên đóng góp một nửa trong tổng số khoảng 100 tỷ JPY (khi đó là 890 triệu USD) cho quỹ này.
Bản thân chính phủ Nga, ngay từ đầu đã tài trợ cho Yamal LNG bằng tiền từ ngân sách nhà nước, lại hỗ trợ dự án khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng bằng cách bán trái phiếu ở Yamal LNG (bắt đầu vào ngày 24/11/2015, với khoản phát hành 15 năm trị giá 75 tỷ Ruble). Và sau đó, Moscow cung cấp cho dự án khoản tài trợ khác trị giá 150 tỷ Ruble (2,2 tỷ USD) từ Quỹ Phúc lợi quốc gia.
Một trong những ưu tiên của Tổng thống Putin trong việc xây dựng các dự án LNG ở Bắc Cực, được bắt đầu một cách nghiêm túc sau khi các lệnh trừng phạt được áp dụng từ năm 2014, là làm cho ngành này trở thành 'bằng chứng thất bại của trừng phạt'. Điều này có nghĩa là công ty khí đốt tư nhân Novatek của Nga - nhà phát triển chính dự án Yamal LNG (và sau này là LNG 2 Bắc Cực) – phải tự cung tự cấp nhất có thể về mặt này.
Novatek đặt mục tiêu nội địa hóa việc chế tạo và xây dựng các đoàn tàu và mô-đun LNG để giảm tổng chi phí hóa lỏng. Trên thực tế, việc phát triển cơ sở công nghệ ở Nga và công ty đã đạt được tiến bộ lớn trong việc hiện thực hóa điều này.
Là một phần của mục tiêu trên, Novatek đã phát triển công nghệ hóa lỏng khí Arctic Cascade để tạo ra LNG. Điều này dựa trên quy trình hóa lỏng hai giai đoạn tận dụng nhiệt độ môi trường lạnh hơn ở Bắc Cực để tối đa hóa hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình hóa lỏng. Đây cũng là công nghệ hóa lỏng khí đầu tiên của cacsc nhà sản xuất Nga được cấp bằng sáng chế.
Mục tiêu chung của Novatek, như công ty đã nhiều lần tuyên bố, là nội địa hóa việc chế tạo và xây dựng các đoàn tàu và mô-đun LNG để giảm tổng chi phí hóa lỏng và phát triển cơ sở công nghệ ở Nga.
Mục tiêu trừng phạt của Mỹ
Vì vậy, với mục tiêu chung là ngăn chặn ngành công nghiệp LNG đang phát triển của Nga, trước mắt, Mỹ đang tập trung vào dự án LNG 2 Bắc Cực (dự án kế thừa Yamal LNG). Và điều này được triển khai vì ba lý do chính.
Đầu tiên, đây được coi là dự án LNG lớn nhất của Nga với quy mô đáng kể. LNG 2 Bắc Cực nhắm đến ba đoàn tàu LNG (cơ sở sản xuất) có công suất 6,6 triệu tấn mỗi năm (mmtpa), dựa trên tài nguyên khí đốt của mỏ Utrenneye, nơi có ít nhất 1.138 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 57 triệu tấn khí đốt lỏng dự trữ.
Chuyến tàu đầu tiên đã được giao thành công vào tháng 8/2023 trên bờ phía Tây của bán đảo Gydan ở Tây Siberia. Chuyến tàu thứ hai và thứ ba dự kiến sẽ hoạt động lần lượt vào năm 2024 và 2026.
Thứ hai, bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm bảo vệ công nghệ hóa lỏng khí Arctic Cascade không bị trừng phạt, trước đây, đã có những dấu hiệu cho thấy, việc thiếu khả năng tiếp cận công nghệ và các thiết bị của phương Tây có thể làm hỏng tính hiệu quả của quy trình.
Và thứ ba, bằng cách thử áp dụng các biện pháp trừng phạt khác nhau đối với dự án LNG hàng đầu của Nga, Mỹ có thể tìm ra biện pháp nào gây thiệt hại nặng nề nhất trước khi áp dụng chúng cho mọi khía cạnh khác trong chương trình LNG của Moscow.