Bất chấp xung đột với Nga, dự trữ ngoại hối của Ukraine vẫn đạt kỷ lục, vì sao?
Ngày 6/7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Andriy Pyshnyi thông báo, dự trữ ngoại hối của nước này đã đạt mức kỷ lục, gần 39 tỷ USD.
Viết trên mạng xã hội Facebook, ông Andriy Pyshnyi nhấn mạnh: “Mức dự trữ này củng cố khả năng cho Ngân hàng Trung ương Ukraine để tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá hối đoái”.
Thời gian qua, chính phủ và Ngân hàng Trung ương Ukraine được các nước và giới chuyên gia phương Tây khen ngợi về nhiều chính sách, cho phép họ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ, bất chấp hơn 16 tháng diễn ra xung đột với Nga.
Số liệu mới được Bộ Tài chính Ukraine công bố cho thấy, trong năm nay, Kiev nhận được 23,6 tỷ USD hỗ trợ tài chính từ phương Tây.
Thống đốc Pyshnyi cho biết, chỉ riêng trong tháng 6, Ukraine đã nhận được 1,6 tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU), 1,2 tỷ USD từ Mỹ cũng như từ các quỹ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và chính phủ Phần Lan.
Trước đó, ngày 9/4, ông Oleg Usenko, cố vấn Tổng thống Ukraine, cho biết, dự trữ vàng và ngoại tệ của nước này đạt mức cao chưa từng có với hơn 30 tỷ USD.
Ông Usenko nói với kênh truyền hình Rada: “Dự trữ ngoại hối của chúng tôi đã đạt mức cao nhất mọi thời đại trong một thập niên với hơn 30 tỷ USD. Số tiền này đủ để thanh toán cho hàng nhập khẩu của Ukraine trong ít nhất 5 tháng”.
Theo ông Usenko, tình hình kinh tế được coi là ổn định nếu lượng dự trữ đủ để thanh toán cho hàng nhập khẩu của đất nước trong ít nhất ba tháng.
Tuy nhiên, Cố vấn Usenko cũng cảnh báo, lạm phát ở quốc gia Đông Âu này được dự đoán sẽ lên đến 25% trong năm 2023.