Bắt chủ tịch xăng dầu Hải Hà: Các 'ông lớn' vi phạm Quỹ bình ổn gần 8.000 tỷ
Chủ tịch xăng dầu Hải Hà bị bắt với cáo buộc sử dụng sai quy định Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Nhưng đây không phải là 'ông lớn' xăng dầu duy nhất vi phạm trong sử dụng Quỹ.
Ngày 23/1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà) cùng các đơn vị có liên quan.
Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối chủ tịch xăng dầu Hải Hà là bà Trần Tuyết Mai, Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Hải Hà.
Kết quả điều tra bước đầu xác định bà Trần Tuyết Mai đã chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi sai phạm như: không nộp số tiền trích lập quỹ bình ổn giá vào tài khoản tiền gửi theo quy định, sử dụng tiền quỹ bình ổn giá trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước số tiền trên 317 tỉ đồng.
Các bị can còn lập và sử dụng hai hệ thống sổ kế toán, khai man, để ngoài sổ kế toán, không kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường đối với trên 3,8 triệu lít xăng A95 đã bán ra trong năm 2020, gây thiệt hại (tạm tính) cho ngân sách nhà nước số tiền trên 15 tỷ đồng.
Câu chuyện về sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Hải Hà cũng đã được VietNamNet đã phản ánh sau khi bị ngân hàng cấn nợ từ Quỹ này.
Theo đó, ngày 5/6/2023, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã có văn bản báo cáo về việc Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Long Biên đã trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Doanh nghiệp khẳng định, việc thu nợ “không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà do không đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP".
Đến ngày 31/8/2023, Bộ Tài chính đã phát công văn đề nghị ngân hàng nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95 của Chính phủ.
Cũng trong ngày 31/8/2023, Bộ Tài chính đã gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước để thông tin về sự việc.
Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam - nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu - thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ.
Sau nhiều tháng miệt mài đòi, tháng 11/2023 BIDV Chi nhánh Long Biên đã trả lại gần 270 tỷ đồng cấn nợ từ tài khoản quỹ bình ổn xăng dầu cho Hải Hà vào đầu tháng 11.
Song, Hải Hà không phải là đơn vị duy nhất sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) sai quy định.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ việc áp dụng biện pháp lập Quỹ bình ổn giá thường xuyên, liên tục, chưa theo Luật Giá; cơ quan quản lý Quỹ BOG còn đùn đẩy trách nhiệm; thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ BOG, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ BOG, việc quản lý Quỹ BOG chưa đảm bảo chặt chẽ.
Bộ Công Thương chưa xử lý kịp thời vi phạm về Quỹ BOG của các thương nhân đầu mối khi Bộ Tài chính đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính... Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa ban hành văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại quản lý Quỹ BOG phù hợp với chức năng nhiệm vụ của ngân hàng.
Điều này dẫn đến, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng Quỹ BOG sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ BOG mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại Quỹ BOG với số tiền là 7.927 tỷ đồng.
Một ông lớn xăng dầu khác cũng bị Thanh tra Chính phủ điểm mặt khi kết chuyển số tiền trích lập và chi sử dụng vào tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng sau đó chuyển về tài khoản thanh toán của doanh nghiệp để sử dụng với tổng số tiền trên 2.551 tỷ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương chưa kịp thời xem xét, xử lý đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền đối với các DN đã bị Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần. Điều đó khiến Quỹ BOG liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu.