Bắt đại ca tín dụng đen khét tiếng xứ Nghệ, hé lộ trò đòi nợ bạo lực
Bắt đại ca tín dụng đen khét tiếng xứ Nghệ, hé lộ trò đòi nợ bạo lực Trùm cho vay nặng lãi khét tiếng Nghệ An cùng đàn em vừa bị tóm, lộ số tiền thu lợi bất chính khủng cùng các chiêu đòi nợ, uy hiếp tinh thần nạn nhân hết sức manh động.
Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an Nghệ An sáng 2/4 xác nhận vừa bắt Nguyễn Đình Vương (SN 1995 trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) cùng nhóm đàn em trong đường dây "tín dụng đen" quy mô cực lớn.
Nhà chức trách xác định "đại ca" 9X Nguyễn Đình Vương cùng đám tay chân hết sức "thiện chiến" gồm Nguyễn Lâm Vận (SN 1989, trú phường Quán Bàu, TP.Vinh); Lê Anh Lực, Nguyễn Quang Tuyến (cùng SN 1993, cùng trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) hoạt động cho vay nặng lãi thời điểm từ năm 2020, thu lợi số tiền khủng lên tới hơn 10 tỷ đồng.
"Trùm" tín dụng đen Nguyễn Đình Vương tuổi đời tuy trẻ nhưng có tên tuổi trong giới "anh em xã hội" địa phương. Tên này nhiều mưu mẹo, tiểu xảo đối phó với ngành chức năng, đã sở hữu một tiền sự về hành vi chứa chấp, sử dụng trái phép chất ma túy.
Thiết lập đường dây cho vay nặng lãi quy mô thuộc dạng lớn nhất nhì phố huyện, đại ca Vương phân công nhiệm vụ cho đám đàn em từng mảng rõ ràng, đúng "chuyên môn" mà hành sự. Trong số này, Nguyễn Quang Tuyến được giao quản lý phần mềm, sổ sách cho vay với thù lao mỗi tháng hơn 6 triệu.
Hai "thanh niên cứng" Lê Anh Lực, Nguyễn Lâm Vận manh động, không ngại va chạm được "sếp" Vương giao phụ trách mảng "an ninh", chuyên đi đòi nợ. Đám tay chân "thiện chiến" này có nhiều chiêu đe dọa, uy hiếp tinh thần con nợ. Không ít nạn nhân bị ném mắm tôm vào nhà khi đến hạn chưa thanh toán đủ. Dao kiếm kè kè giắt lưng, nhiều con nợ từng bị nhóm này chặn đường hành hung, đánh đập "lên bờ xuống ruộng".
Chiều muộn 30/3, PC02 Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp Công an huyện Quế Phong tóm gọn Nguyễn Đình Vương cùng 3 đàn em trong đường dây cho vay lãi nặng quy mô lớn. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của tay trùm, cảnh sát thu giữ 70 triệu đồng tiền mặt; 5 dao, kiếm, típ sắt; 12 điện thoại di động, 1 máy tính cùng số lượng lớn chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và giấy tờ vay nợ.
Tài liệu từ CQĐT thể hiện từ năm 2020 đến thời điểm tra tay vào còng, đường dây này đã cho hơn 400 người vay tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng với mức lãi suất từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày (108-180%/năm), thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.
Chuyên án đang được điều tra mở rộng.