Bắt đầm lầy 'đẻ' tiền tỉ
Thành công từ mô hình của anh Lê Đức Hà đã mở ra hướng làm ăn mới. Cụ thể hiện nay, tất cả diện tích đất ngập nước trên địa bàn xã Văn Hóa đều đã được các hộ dân thuê để làm ăn và đạt hiệu quả
Dưới chân dãy núi đá vôi cao ngất, Bồ Bồ là vùng đầm lầy bỏ hoang đã nhiều thập kỷ, nước sâu ngang bụng, cỏ lác mọc quá đầu người, rắn rết nhiều vô kể. Dân ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình xưa nay chỉ đưa trâu bò đến đấy chăn thả, xem như vùng bỏ hoang.
Quyết chí thú làm ăn
Hồi năm 1995, từng có người ở xã Thạch Hóa, cách đó chừng mươi cây số, tìm đến xã Văn Hóa, xin đấu thầu vùng Bồ Bồ để khai thác cá tự nhiên nhưng rốt cuộc "bỏ của chạy lấy người". Ông Trần Đức Hiến, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa, mở đầu câu chuyện khi dẫn chúng tôi vào vùng Bồ Bồ xem trang trại của anh Lê Đức Hà.
Lê Đức Hà sinh năm 1984, là anh cả trong gia đình có 3 anh em ở thôn Xuân Tổng của xã Văn Hóa. Gia đình thuần nông nên từ nhỏ, anh Hà đã quen lam lũ ruộng đồng. Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương, nghĩ cảnh gia đình nghèo khó, anh Hà quyết chí thú làm ăn.
Thời điểm ấy, nhà nước có chủ trương cấp đất cho dân để trồng rừng kinh tế nhưng vì chưa thấy rõ hiệu quả nên ít người dám nhận. Riêng anh Hà tiên phong nhận hơn 20 ha đất rừng tại vùng Ba Xối, thuộc thôn Hà Xuân Hạ của xã Văn Hóa. Vậy là trong lúc chúng bạn cùng trang lứa có thời gian để vui chơi thì anh Hà cắm cúi trồng rừng. Đến năm 2009, khi rừng bạch đàn chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên thì dự án Nhà máy Xi măng Văn Hóa được đầu tư tại địa phương, đất rừng bị thu hồi, Hà được đền bù 800 triệu đồng.
"Số tiền này là rất lớn đối với tôi và gia đình. Nhưng cầm tiền trong tay rồi mà tôi lại chẳng thấy vui. Vì lúc ấy không còn đất để sản xuất, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng lúa, mà giữ tiền thì cứ sợ kiểu tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Văn Hóa lại là vùng đất lũ, mùa mưa nước ngập trắng đồng, nắng thì khô hạn, nước nhiễm mặn nên thường xuyên mất mùa. Sau nhiều tháng suy nghĩ, rồi khảo sát vùng Bồ Bồ, tôi quyết định lên xã xin đấu thầu làm kinh tế. Ban đầu cũng chỉ nghĩ cải tạo lại ao hồ để nuôi ít vịt và khai thác cá tự nhiên, nhưng càng làm thì càng "đẻ" ra nhiều ý tưởng" - anh Hà tâm sự.
Với số tiền đền bù từ dự án Nhà máy Xi măng Văn Hóa, một phần anh Hà dùng để sửa chữa nhà cửa cho bố mẹ, phần còn lại thì đầu tư vào việc làm trang trại. Rồi anh mạnh dạn vay mượn người thân, ngân hàng… để đầu tư, đến nay tổng vốn cho trang trại đã trên 1 tỉ đồng.
Dưới hồ thả vịt, trên bờ anh Hà làm trại nuôi lợn. Khi có tiền, anh thuê mướn lao động địa phương; khi hết tiền thì tự làm. Cứ mỗi lứa xuất chuồng khoảng 3,5 tấn lợn hơi, thu trên 100 triệu đồng. Tất cả số tiền thu được, anh Hà dồn vào thuê máy múc hồ, đắp bờ bao, phân chia vùng Bồ Bồ thành 25 hồ lớn, nhỏ với hệ thống bờ bao rộng từ 3-4 m để xe cơ giới có thể ra vào. Với mỗi hồ nhỏ, anh Hà cho máy múc một lối sâu chạy dọc quanh bờ, phần còn lại để cỏ lác mọc tự nhiên như trước.
Nói về việc mở các lối sâu này, anh Hà cho biết làm vậy vừa có đất để đắp cao bờ, vừa thuận tiện lúc thu hoạch cá. Muốn bắt cá ở hồ nào thì chỉ cần bơm xả một phần nước trong hồ cho đến lúc phần đất tự nhiên nổi lên, cá sẽ tập trung vào phần rãnh sâu sát bờ, chỉ cần dùng lưới bao kéo một nhát là có thể bắt hết cá trong hồ. Còn phần cỏ lác mọc trong hồ là để tạo môi trường tự nhiên cho cá sinh sản và sinh trưởng.
"Ban đầu, đưa máy múc vào thì bị lún sình không hoạt động được. Tôi phải nghĩ mãi mới tìm ra cách dùng nhiều cây gỗ đặt giữa đầm làm đường cho máy múc đi. Máy đi trước, đắp bờ phía sau, đi đến đâu thì đặt cây đến đó, công sức và tiền của tốn kém không ít" - anh Lê Đức Hà cho biết.
Ròng rã "lấy ngắn nuôi dài"
Sau 8 năm ròng rã, anh Lê Đức Hà đã cải tạo vùng Bồ Bồ thành một khu trang trại với hệ thống ao hồ, chuồng trại chăn nuôi rộng hơn 13 ha. Mỗi năm, ngoài thu hoạch hàng chục tấn cá, trên 3 tấn lợn hơi, anh còn có nguồn thu từ nhiều loại cây ăn quả như dừa, cóc, ổi.
Năm 2018, anh Hà bắt đầu đưa cây sen vào trồng trên phần lớn diện tích mặt hồ; năm 2019 trồng 2 ha cà gai leo, rồi dược liệu. Tổng thu nhập từ trang trại năm rồi nhờ thế đã đạt trên 1 tỉ đồng. Chưa dừng lại ở đó, anh Lê Đức Hà tiếp tục thuê lại trên 10 ha đất canh tác của các hộ dân xung quanh vùng Bồ Bồ để mở rộng trang trại.
Nay thì trước mắt chúng tôi đang hiện ra một vùng trang trại rộng hàng chục hécta, khép kín bởi phía ngoài là đường sắt, bên trong là dãy núi đá vôi che chắn. Đi trên bờ bao, thi thoảng lại giật mình bởi tiếng cá đớp mồi. Tôi lặng im tận hưởng làn gió mát nhẹ từ sông Gianh thổi vào cùng hơi lạnh phả ra từ lèn đá. Cảm giác thật dễ chịu, khoan khoái, dẫu là đang giữa mùa gió Lào nắng gắt. Anh Hà vẫn thủng thẳng nói về khát vọng muốn làm trang trại xanh, nghĩa là trên cây - dưới cá, rồi tương lai còn có thể nghĩ đến cả chuyện biến Bồ Bồ thành điểm du lịch.
Ông Trần Đức Hiến cho biết toàn xã Văn Hóa có trên 20 ha đất ngập nước, nhiễm phèn, không thể sản xuất được nên lâu nay chỉ để hoang cho cỏ lác mọc. Gần đây, xã có chủ trương khuyến khích người dân đầu tư cải tạo đất đai để phát triển kinh tế nên khi nghe anh Hà đặt vấn đề thì xã đồng tình và hướng dẫn đến UBND huyện, tỉnh làm thủ tục thuê đất theo đúng thẩm quyền. Thành công từ mô hình của anh Lê Đức Hà đã mở ra hướng làm ăn mới. Cụ thể là hiện nay, tất cả diện tích đất ngập nước trên địa bàn xã đều đã được các hộ dân thuê để làm ăn và đạt hiệu quả. Riêng mô hình của Lê Đức Hà thì đã được chứng nhận trang trại và anh được bình chọn là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở xã này.
Chúng tôi rời trang trại của anh Lê Đức Hà lúc xế chiều. Bóng núi dần đổ dài trên mặt hồ. Từ trang trại của anh nhìn ra, làng quê như dải lụa mềm ánh lên dưới nắng chiều vàng nhạt. Làng này xưa nay đã nổi danh về hiếu học, khoa bảng, nay thì có cả lớp thanh niên biết lao động sáng tạo, bám ruộng, bám đồng, biến những cái tưởng chừng không thể trở thành có thể.
Phấn đấu không mệt mỏi
Anh Lê Đức Hà cho biết để thành hình được khu trang trại như hiện nay là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của bản thân và gia đình. Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, ban đầu là cải tạo một phần đầm lầy để làm hồ nuôi vịt, mỗi lứa 1.000 đến 1.500 con. Vịt được thả ăn giữa đầm cỏ tự nhiên kết hợp thóc, ngô và phụ phẩm nông nghiệp nên chắc khỏe, đẻ nhiều. Mỗi ngày, riêng tiền bán trứng vịt cũng thu được trên dưới 1 triệu đồng.
Cuộc thi phóng sự - ký sự 2019 trên Báo Người Lao Động đã nhận được tác phẩm dự thi của các tác giả: Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Nghiên cứu mỹ thuật để "gặp gỡ" ông ngoại); Văn Trần (Thanh niên Quảng Bình bắt đầm lầy đẻ tiền tỉ); Hà Thanh Tú (Xao xác xứ dừa Hàm Tiến); Ngô Văn Tuấn (Suối Đó rồi thành ký ức); Thủy Vũ (Săn lộc rơi của biển); Trương Thanh Liêm (Ông Lộc đa năng); Hồ Thị Xuân Đà (Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng); Huỳnh Văn Nguyệt (Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Nga); Lê Quang Hồi (Binh đoàn xanh trên vùng biên giới).
Trân trọng cảm ơn các tác giả và rất mong tiếp tục nhận được tác phẩm mới.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bat-dam-lay-de-tien-ti-20190824223038116.htm