Bắt đầu đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
Ngày 6/4, tại thủ đô Vienna của Áo, Ủy ban Hỗn hợp về Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã bắt đầu nối lại cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc.
Các bên còn lại tham gia thỏa thuận, gồm Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp, Anh gặp gỡ trực tiếp với Iran, trong khi phía Mỹ tham gia gián tiếp. Dự kiến, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và các biện pháp tuân thủ thỏa thuận hạt nhân sẽ là chủ đề hàng đầu của chương trình nghị sự tại cuộc gặp này.
Các quan chức Anh, Pháp và Đức sẽ đóng vai trò trung gian giữa Iran và Mỹ trong cuộc đàm phán này. Phái đoàn của Mỹ do đặc phái viên Rob Malley đứng đầu tham gia đàm phán gián tiếp từ một khách sạn gần đó.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định chương trình nghị sự của cuộc họp này có đem lại kết quả hay không sẽ phụ thuộc vào các bên châu Âu nói riêng và Nhóm 4+1 nói chung có thể kêu gọi Mỹ thực thi nghĩa vụ và hành động theo cam kết của họ hay không.
Theo JCPOA, Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt nước này được dỡ bỏ. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố rút nước này thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran đã giảm các cam kết của mình trong thỏa thuận. Các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đang nỗ lực cứu vãn văn kiện này.