Bắt đầu siết chặt nguồn cung nhiên liệu hạt nhân toàn cầu

Kazakhstan - nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới và là nguồn cung nhiên liệu hạt nhân chính của Mỹ đang thu hút sự quan tâm từ Nga và Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, sản lượng nguyên tố phóng xạ của quốc gia Trung Á này đã tăng từ khoảng 28% tổng sản lượng của thế giới vào năm 2009 lên khoảng 43% trong năm 2022.

Dự trữ uranium khổng lồ của Kazakhstan đã thu hút sự quan tâm của Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang nhanh chóng mở rộng năng lực hạt nhân cho mục đích năng lượng và quân sự.

Các quan chức Mỹ nghi ngờ quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã trở thành một tuyến đường thay thế cho hàng hóa bị trừng phạt đến Nga.

Bộ Tài chính Mỹ trong tháng này đã trừng phạt một công ty Nga hoạt động ở Kazakhstan như một phần trong chiến dịch trấn áp thương mại rộng lớn hơn của Washington, nhằm chặn hỗ trợ cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Moskva cũng như cuộc chiến chống lại Ukraine.

Nga và Trung Quốc đã tăng cổ phần trong các doanh nghiệp sản xuất uranium của Kazakhstan, điều này ảnh hưởng đến an ninh năng lượng toàn cầu và làm nổi bật các cáo buộc về thỏa thuận bí mật trong ngành.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Kazakhstan chiếm 1/4 lượng nhập khẩu uranium của Mỹ vào năm ngoái, chỉ đứng sau Canada.

Nga là nguồn cung cấp lớn thứ ba của Mỹ vào năm ngoái, chiếm 12% lượng nhập khẩu, mặc dù chính quyền Tổng thống Biden mới đây đã công bố lệnh cấm nhập khẩu uranium của Nga dùng làm nguồn tăng cường nhiên liệu hạt nhân trong nước.

Giám đốc điều hành công ty Macro-Advisory - ông Chris Weafer nói với tờ Newsweek rằng Trung Quốc cùng với Nga đang "đi trước" Mỹ và Liên minh châu Âu về số lượng thỏa thuận thăm dò và sản xuất uranium ký với Kazakhstan.

Trung Quốc đang trên đường vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất điện hạt nhân lớn nhất thế giới, họ có nhu cầu rất lớn về nguồn tài nguyên này.

Bắc Kinh có kế hoạch tăng gấp đôi công suất hạt nhân bằng cách xây dựng 150 lò phản ứng vào năm 2035.

Các cường quốc đang quan tâm tới nguồn uranium tại Kazakhstan.

Các cường quốc đang quan tâm tới nguồn uranium tại Kazakhstan.

Theo diễn đàn Minex Forum, các công ty tại Đại Lục, bao gồm cả Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn, đã giành được quyền khai thác 60% uranium của Kazakhstan trong tương lai.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Nga kiểm soát hơn 22% sản lượng hàng năm và 1/4 trữ lượng uranium của Kazakhstan.

Ông Weafer chỉ ra một vấn đề đau đầu khác đối với Washington đó là "mặc dù Kazakhstan đã là nhà sản xuất lớn nhất thế giới và có thể tăng sản lượng nhiều hơn nhưng nước này không có năng lực xử lý. Tất cả uranium của họ đều được chế biến ở Nga".

Điều này có nghĩa là bất chấp lệnh cấm nhập khẩu uranium Nga, Mỹ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Moskva để có nhiên liệu cho các lò phản ứng điện hạt nhân.

Ngoài ra một số báo cáo đã xuất hiện liên quan tới các giao dịch bí mật giữa những công ty trong ngành khai thác mỏ địa phương với các thực thể Nga và Trung Quốc.

Tờ Express trích dẫn các nguồn tin nội bộ cho biết một công ty như vậy - Aurora Minerals Group, được cho là đã nằm dưới sự kiểm soát của các nhà đầu tư Nga.

Được thành lập bởi các cựu công chức Kaisar Kozhamuratov và Said Sultanov, công ty này là "nhà cung cấp dịch vụ thăm dò khoáng sản toàn diện". Các nguồn tin của Express cáo buộc họ đã thực hiện hoạt động khai thác mà không có giấy phép và thu về hàng triệu đô la từ việc bán uranium.

Aurora bác bỏ điều này khi nói rằng: "Tập đoàn luôn tiến hành hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn cao nhất về quản trị doanh nghiệp".

"Ngân hàng uranium" cho các lò phản ứng hạt nhân trên khắp thế giới.

Theo Newsweek

Sao Đỏ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bat-dau-siet-chat-nguon-cung-nhien-lieu-hat-nhan-toan-cau-post685132.html